Cần làm rõ việc thu tiền của cán bộ, công chức, viên chức để “chạy” chế độ bãi ngang
  • Home/
  • Tin tức/
  • Cần làm rõ việc thu tiền của cán bộ, công chức, viên chức để “chạy” chế độ bãi ngang
Tin tức

Cần làm rõ việc thu tiền của cán bộ, công chức, viên chức để “chạy” chế độ bãi ngang

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn phản ánh: Lấy lý do để được hưởng chế độ bãi ngang, xã phải chạy hết rất nhiều tiền, nên năm 2013, lãnh đạo xã Nghi Sơn đã họp và thu của mỗi cán bộ công chức, viên chức một khoản tiền tương đương một tháng lương. Việc làm trên đã gây bức xúc cho cán bộ, công chức, viên chức nhiều năm qua.

Là một xã ven biển nằm trên đảo Biện Sơn thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) năm 2013, xã Nghi Sơn được nhà nước công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao lại phải “chạy bãi ngang”?

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại xã Nghi Sơn, cuối năm 2013, khi bắt đầu đến kỳ nhận truy lĩnh tiền chế độ của cán bộ công, viên chức làm việc trên địa bàn, lãnh đạo xã khi đó là ông Nguyễn Ngọc Thương, Bí thư Đảng ủy xã (hiện là Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn) đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn với các đầu ngành của xã và chỉ đạo triển khai xuống các đơn vị, vận động mỗi người phải nộp lại một khoản tiền tương đương với 1 tháng lương (từ 3 đến 10 triệu đồng) để lấy kinh phí, “lo lót” cho việc xã được xét và đưa vào diện được hưởng chế độ bãi ngang. Vì vậy tất cả các đơn vị hành chính công lập đóng trên địa bàn, bao gồm khối Ủy ban, các trường học công lập, trạm y tế xã đều phải thực hiện theo chỉ đạo của ông Bí thư tại thời điểm đó.

Cần làm rõ việc thu tiền của cán bộ, công chức, viên chức để “chạy” chế độ bãi ngang

Một khu dân cư của xã Nghi Sơn

Trao đổi qua điện thoại về nội dụng trên với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn một mực khẳng định: Hầu hết những thông tin trên đều là sai sự thật, nhằm bôi nhọ lãnh đạo xã. Ngay cả bản danh sách và chữ ký nộp tiền bãi ngang cũng là do cắt ghép, tạo dựng. “Lúc ấy tôi là Bí thư Đảng ủy xã thì không dại gì làm như vậy, thêm vào đó, anh em đều là cán bộ cả thì không ai dại gì mà làm như thế. Sau khi có thông tin về sự việc này, thanh tra huyện, tỉnh đã tiến hành xác minh và có kết luận. Tuy nhiên, để khách quan, tôi đề nghị các anh đến UBND xã, làm việc trực tiếp với anh Tâm (Lê Khắc Tâm, Phó Chủ tịch xã Nghi Sơn), anh Tâm sẽ cung cấp toàn bộ kết luận của thanh tra về sự việc!”.

Để làm minh bạch sự việc, phóng viên đã tìm đến các nhân chứng là những người đã công tác tại xã Nghi Sơn tại thời điểm năm 2013 xác minh lại thông tin phản ánh trên.

Tại Trường Trung học cơ sở Nghi Sơn, ông N.T.N, nguyên là Hiệu trưởng nhà trường (hiện nay đã chuyển công tác) xác nhận: việc triển khai thu tiền để chạy chế độ bãi ngang là có thật. Chính tôi là người được mời sang ủy ban họp để triển khai việc này, tuy nhiên đối với những việc như thế này thì không ai ghi biên bản cả. Bản thân tôi khi đó cũng nộp 5 triệu đồng và toàn thể giáo viên trường tôi khi đó hơn 30 người đều nộp, người ít nhất là nộp 1-2 triệu. Khi đó tổng thu của trường tôi được ít so với chỉ tiêu, các anh ấy còn chê ít…(!). Thời điểm đó có lẽ cũng có thông tin phản ánh lên huyện nên sau đo cũng có vài lần có người gọi cho tôi xác minh, tôi đều nói là có việc đó thật, nhưng sau đó cũng không thấy gì cả. Giáo viên trường tôi khi đó, cũng không ai đồng tình nhưng mọi người đều nộp, nên cũng đành chịu... Tại thời điểm đó, tất cả các cán bộ công chức viên chức nhà nước thời đấy ở xã, từ cán bộ y tế đều bị ép phải đóng…

Tìm gặp cô NTH, nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Nghi Sơn (hiện đã chuyển công tác), cô H cũng cho biết: "Tại thời điểm đó, tôi mới chuyển công tác về trường, tôi cũng có đóng 3 triệu. Khi đó các giáo viên trường tôi đều đóng cả".

Liên quan đến phản ánh trên, ông NVD, nguyên Trưởng trạm Y tế xã Nghi Sơn (hiện đã chuyển công tác), cũng xác nhận với phóng viên: "Đó là việc có thật, tôi cũng có được mời họp triển khai việc này, sau đó tôi cũng nộp 10 triệu, nhân viên của tôi khi đó cả 4 người đều nộp, người thì nộp 10 triệu, người ít nhất nộp 5 triệu". Ông D cho biết, lý do triển khai thu tiền khi đó là tiền chạy bãi ngang, điều này được triển khai trong cuộc họp. Khi phóng viên đưa danh sách ký nộp tiền để xác minh chữ ký nộp, thì anh D xác nhận, đây đúng là chữ ký của tôi.

Khối ủy ban tại thời điểm đó, các cán bộ công chức đều nộp. Phóng viên tìm gặp một số cán bộ công chức đã từng công tác tại xã Nghi Sơn và xác nhận được: Anh H. nộp …6 triệu, Anh H. nộp 5 triệu, anh L. nộp 5.5 triệu đồng. Tất cả đều có chữ ký trong danh sách kèm theo, danh sách dược lập cụ thể là : Danh sách thu tiền bãi ngang….

Lãnh đạo thị xã trả lời bất nhất

Theo giới thiệu của ông Thương, nhóm phóng viên đã đến UBND xã Nghi Sơn để tìm gặp ông Lê Khắc Tâm để xác minh. Tại buổi làm việc này, ông Tâm cho biết: “Vào thời điểm năm 2013, xã được hưởng chế độ bãi ngang. Sau khi cán bộ, công, viên chức của xã được nhận lương, lúc đó mọi người vui quá nên đã hô hào nhau góp tiền lại để tổ chức liên hoan. Bản thân ông Tâm cũng đã đóng góp 3 triệu đồng cho cuộc “liên hoan dài ngày” này.

Khi chúng tôi đề cập đến bản danh sách nộp tiền bãi ngang năm 2013 của xã, ông Tâm đã khẳng định là bản thân không biết đến bản danh sách vừa nêu. Và khi phóng viên xin được tiếp cận các văn bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Huyện uỷ về vấn đề trên thì ông Tâm từ chối do không được biết đến bản kết luận này. “Cái này các anh phải hỏi anh Thương, hoặc lên huyện lấy. UBKT Thị ủy có toàn bộ…”

Liên hệ với ông Trương Bá Duyên, Phó Bí thư Thường trực Thị uỷ Nghi Sơn, ông Duyên cho biết, chưa nắm được nội dung này và cũng chưa có văn bản nào kết luận vầ vấn đề “chạy bãi ngang” xảy ra tại xã Nghi Sơn.

Nhưng tài liệu mà nhóm phóng viên có, vào ngày 25/6/2021, trong Công văn số 2453/UBND-TTr về việc trả lời kiến nghị của các hộ dân xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn về những phản ánh về sai phạm của Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thương. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã đã trả lời trong mục 6: “Ông Nguyễn Ngọc Thương thu tiền của cán bộ giáo viên, y bác sỹ với tổng số tiền là 300 triệu đồng nhằm trục lợi cá nhân. Còn việc "chạy" bãi ngang, người dân không cung cấp được chứng cứ không có nội dung cụ thể để xác minh”.

Như vậy Chủ tịch UBND thị xã nói đã có kết luận, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy nói không có? Vậy thực hư câu chuyện này thế nào mà mỗi vị lãnh đạo trả lời một nẻo?.

Việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại xã Nghi Sơn phản ánh thu tiền của họ để "chạy" hưởng chế độ bãi ngang đang gây bức xúc trong dư luận địa phương, không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các lãnh đạo và có nguy cơ lợi dụng làm méo mó chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đề nghị Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc và xử lý nghiêm minh (nếu có vi phạm).

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ngọc Lâm- Đinh Huê
Theo nhandan.vn

Bình luận