Phú Thọ: Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
  • Home/
  • Tin tức/
  • Phú Thọ: Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tin tức

Phú Thọ: Phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 24/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những năm qua, công tác đào tạo nghề đã đạt được nhiều kết quả tích cực, 13/13 huyện, thành, thị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nhiều địa phương đã tích cực tư vấn, tuyên truyền học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên cơ sở nhu cầu đăng ký của người lao động. Công tác đào tạo nghề bước đầu đã đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong toàn tỉnh là 186.673 người, bao gồm cả học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt 75-85%. Quá trình triển khai, cùng với ban hành Nghị quyết chuyên đề, các địa phương đều thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc cấp huyện, cấp xã; tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giúp người lao động hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, biết chọn nghề, đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện, khả năng của bản thân; gắn học nghề với tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. 
 

Giáo viên Khoa CNTT Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ hướng dẫn học sinh thực hành môn Hệ quản trị cơ sở dữ liệu.
Với cách làm sáng tạo, nhiều địa phương tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay tại cơ sở sản xuất, gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp, với phát triển làng nghề và các ngành nghề trọng điểm theo quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đào tạo nghề cho người lao động thuộc các tổ chức tham gia chương trình OCOP. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập của nông dân.
Nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả sau đào tạo nghề đã trở thành trực quan sinh động trong công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn như trồng và nhân giống nấm ở Yên Lập, Lâm Thao; trồng rau an toàn ở Lâm Thao; trồng bưởi ở Đoan Hùng; trồng bí đao, chế biến gỗ ở Hạ Hòa; chế biến chè xanh, chè đen ở Thanh Sơn, Tân Sơn...
Song song với đó, công tác xã hội hóa đào tạo nghề được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của doanh nghiệp. Từ năm 2011 đến 2020 đã có trên 49.500 học sinh được học các nghề: May công nghiệp, sửa chữa bảo dưỡng xe máy, dịch vụ nhà hàng, đan lát thủ công, lái xe ô tô kinh doanh, vận hành xe nâng, máy cẩu xúc, lái phương tiện thủy nội địa, điện công nghiệp, trồng nấm, trồng chè, đào tạo ngoại ngữ cho xuất khẩu lao động… từ nguồn xã hội hóa. Nhiều cơ sở đào tạo nghề đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập và ký kết nhận lao động sau khi đã hoàn thành đào tạo.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, thực hiện đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 và những năm tiếp theo rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương; tiếp tục đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng mở rộng nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến trong nước và khu vực. Các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tăng cường liên danh liên kết với doanh nghiệp, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động…, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX.
Bài, ảnh: Mai Phương
Theo langngheviet.vn

Bình luận