​​​​​​​Có nhiều tình tiết mới để hủy án sơ thẩm!
  • Home/
  • Tin tức/
  • ​​​​​​​Có nhiều tình tiết mới để hủy án sơ thẩm!
Tin tức

​​​​​​​Có nhiều tình tiết mới để hủy án sơ thẩm!

Vụ án:
Bà Đỗ Thị Minh Ngọc, ngụ phường 5, quận Tân Bình, bị đơn trong vụ kiện “Tranh chấp thừa kế và chia tài sản chung” là nhà, đất tại 98/111/9 Thăng Long, phường 5, quận Tân Bình; bà Nguyễn Thị Quý là nguyên đơn. Tuy nhiên, nhiều tình tiết mới thể hiện trong hồ sơ vụ án có cơ sở hủy án sơ thẩm …

 

Tờ Kê Khai

Tờ Kê khai nhà ở ngày 19/12/1977, do ông Đỗ Đức Trung khai, có ghi: “Nhà mua từ năm 1957, đến năm 1974 mới xây cất lại”

Bà Nguyễn Thị Thụy là chủ sở hữu nhà và đất từ năm 1957

Theo hồ sơ vụ án, nguồn gốc nhà, đất trên, thể hiện như sau:

Do vợ chồng ông Đỗ Đức Trung, bà Nguyễn Thị Thụy tạo lập, năm 1957, bà Thụy mua nhà trên của ông Nguyễn Văn Thêm (có Bằng Khoán Điền Thổ số 12, cấp ngày 24/6/1956); theo Giấy phép xây cất, Giấy Đoạn Mãi số 8920 ngày 9/10/1957, do Hội đồng xã Tân Sơn Hòa cấp cho chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Thụy; trong Tờ Kê khai nhà nhà ở ngày 19/12/1977, do ông Trung khai, có ghi: “Nhà mua từ năm 1957, đến năm 1974 mới xây cất lại”, có xác nhận của UBND phường 8. Và trong Tờ Phụ lục đính kèm Bằng Khoán và Tờ Đoạn Mãi, có ghi rõ số lô, vị trí đất của căn nhà số 98/111/9 Thăng Long, phường 5, quận Tân Bình, cũng như phía bị đơn đã trình tờ Phụ lục này tại phiên tòa sáng 15/12/2020, khẳng định sự thật là bà Thụy là chủ sở hữu nhà đất nêu trên từ năm 1957.

Nhiều tình tiết mới

Thứ nhất: Hợp thức hóa nhà trái pháp luật. Theo hồ sơ vụ án, năm 1993, bà Quý tự ý làm đơn xin hợp thức hóa căn nhà nêu trên chỉ bằng chứng từ là biên lai thanh toán tiền điện năm 1971 do ông Đỗ Đức Trung đứng tên; và được UBND quận Tân Bình cấp Giấy phép hợp thức hóa quyền sở hữu nhà số 4855/GP-UB cấp ngày 10/9/1993 đối với căn nhà 98/111/9 Thăng Long, phường 5, quận Tân Bình cho ông Đỗ Đức Trung và bà Nguyễn Thị Quý.

Tuy nhiên, trong hồ sơ nhà, có Tờ Kê khai nhà cửa năm 1977, do ông Trung kê khai ghi rõ: “Nhà mua từ năm 1957, đến năm 1974 mới xây cất lại”. Năm 1962, bà Thụy chết. Bà Qúy về ở với ông Trung từ năm 1963, lúc này đã có nhà do ông Trung, bà Thụy xây lại từ năm 1974. Và thực tế từ khi bà Thụy chết đến nay, chưa xem xét gì đến di sản thừa kế đối với ½ căn nhà (nay Tóa án coi là tài sản chung) của bà Thụy để lại. Thế nhưng, năm 1993, bà Qúy tự ý đem toàn bộ căn nhà để hợp thức hóa chủ quyền sở hữu cho mình và ông Trung, là thể hiện việc hợp thức hóa này có vướng mắc pháp lí; là thể hiện vi phạm quyền của các đồng thừa kế di sản của bà Thụy. Đây là cơ sở thể hiện việc Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cho hợp thức hóa toàn bộ căn nhà 98/111/9 Thăng Long, phường 5, quận Tân Bình, là trái pháp luật! Nội dung này của vụ án, chưa được xem xét, giải quyết. Đây là tình tiết mới của vụ án!

Mặt khác, tại dòng 11 (trang 13, trên xuống) Bản án sơ thẩm số 299/2021/DS-ST ngày 9/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định: “Bà Thụy không có di sản nào thuộc nhà và đất tranh chấp nói trên”. Trong khi, từ năm 1957, bà Thụy là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà tranh chấp; và bà Thụy chết năm 1962, đến nay chưa có văn bản nào về chia di sản là ½ căn nhà của bà Thụy để lại. Nội dung này của vụ án, chưa được xem xét, giải quyết. Đây là tình tiết mới của vụ án!

Trang 1

Dòng 11 (trang 13, trên xuống) bản án sơ thẩm số 299/2021/DS-ST ngày 09/3/2021 của tòa sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh

Thứ hai: Tòa án “quên” luật!

Tại dòng 4, 5, 6 (trang 14, trên xuống) bản án sơ thẩm số 299 trên, HĐXX nhận định: “Xét yêu cầu của nguyên đơn, bà Qúy yêu cầu Tòa án chia tài sản chung của bà và ông Trung mỗi người ½ nhà đất trên là có căn cứ được chấp nhận”. Tuy nhiên, thực tế ½ nhà trên đang là di sản của bà Thụy, nên Tòa án coi là tài sản chung, và đem chia là không có cơ sở!

Dòng 4, 5, 6 (trang 14, trên xuống) bản án sơ thẩm số 299, trên

Và tại dòng 5, 6 (trang 9, trên xuống) bản án sơ thẩm số 299 trên, HĐXX nhận định: “Đất vẫn có nguồn gốc là thuê”. Nhận định này được hiểu là HĐXX khẳng định: Từ trước năm 1975 đến nay, phần đất của nhà trên vẫn là đất thuê chưa được trả lại cho chủ cũ là ông Thêm.

Dòng 5, 6 (trang 9, trên xuống) bản án sơ thẩm số 299, trên

Trong khi, về thực hiện Chính sách quản lý và cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam (Ban hành theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 111/CP ngày 14/4/1977), có quy định tại Mục IChính sách đối với nhà đất, cho thuê, khoản 6: “Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ đất cho thuê không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn, trừ trường hợp đặc biệt”. Quy định này, là cơ sở khẳng định: Về đất của toàn bộ căn nhà 98/111/9 Thăng Long, phường 5, quận Tân Bình đang là đối tượng thuộc diện Nhà nước quản lí.

Thế nhưng, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã không áp dụng quy định tại Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 111/CP ngày 14/4/1977 nêu trên, để xem xét, giải quyết đối với “Đất vẫn có nguồn gốc là thuê” từ trước năm 1975, đã thuộc đối tượng do Nhà nước quản lí. Do vậy, việc ĐXX phiên tòa sơ thẩm coi đất này, là tài sản của cá nhân (ông Trung, bà Qúy), là thể hiện hoàn toàn trái luật; là dấu hiệu Tòa án “quên” luật. Đây cũng là tình tiết mới của vụ án!

Kiến nghị của người cao tuổi

Trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Minh Ngọc một trong các bị đơn, là đồng thừa kế di sản của bà Thụy, ông Trung, bức xúc: “Tòa án không triệu tập UBND quận Tân Bình tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để xác định đúng nguồn gốc căn nhà tranh chấp; làm rõ việc cho phép bà Nguyễn Thị Quý hợp thức hóa ½ căn nhà tranh chấp có đúng quy định của pháp luật hay không? Thực tế, từ năm 1957, chủ sở hữu thật sự căn nhà tranh chấp là bà Nguyễn Thị Thụy (mẹ của chúng tôi). Nhưng Tòa án tòa sơ thẩm đã không xem xét đến đề nghị chính đáng này của chúng tôi!?

Ngày 9/6/2005, ba của chúng tôi là ông Đỗ Đức Trung có di chúc viết tay, có ba người làm chứng, nội dung “... Tôi để lại căn nhà số 98/111/9 đường Thăng Long, phường5, quận Tân Bình cho Đỗ Quốc Bính, sinh năm 1959, con trai trưởng làm nhà Từ đường...”. Di chúc này được lập phù hợp và tuân thủ với quy định của pháp luật, quy định tại Khoản 2 Điều 653, Khoản 1 Khoản 4 Điều 655, Điều 657, Điều 659, Điều 673 của Bộ luật Dân sự năm 1996. Nhưng bản án số 299/2021/DS-ST ngày 9/3/2021 của TAND TP Hồ Chí Minh đã không công nhận di chúc này.

Các bị đơn chúng tôi, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; xem xét quyền, lợi ích hợp pháp của các bị đơn đối với chủ quyền nhà, đất tranh chấp nói trện, theo quy định của pháp luật”.

Rõ ràng, vụ án có nhiều tình tiết mới. Dư luận trông chờ một phán quyết khách quan, đúng pháp luật của HĐXX phiên tòa phúc thẩm sắp tới!

Mai Thân-Hải Dương
Theo ngaymoionline.vn

Bình luận