Bình Định: Cung đường Trekking đẹp nhất tỉnh và mô hình du lịch bền vững
  • Home/
  • Tin tức/
  • Bình Định: Cung đường Trekking đẹp nhất tỉnh và mô hình du lịch bền vững
Tin tức

Bình Định: Cung đường Trekking đẹp nhất tỉnh và mô hình du lịch bền vững

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã An Toàn huyện An Lão được ví như “Nóc nhà Bình Định”. Đường lên "Nóc nhà” có lẽ là cung đường đèo đẹp nhất trong tỉnh, thôi thúc những bước chân của giới trẻ đam mê khám phá nét đẹp hoang sơ. Nơi đây nổi lên với mô hình du lịch bền vững và anh Trần Văn Bé, một trong những hướng dẫn viên du lịch bản địa đầu tiên đã và đang góp phần xây dựng mô hình này tại địa phương.
Toàn cảnh núi rừng đại ngàn cùng Thác K50 của huyện An Lão 
Phát triển du lịch từ thay đổi nhận thức của người địa phương 
Xã miền núi An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), nơi lưu giữ nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của người dân tộc Bana. Tuy được chính quyền địa phương hỗ trợ nhưng đời sống người dân vẫn còn khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào nương rẫy, thu hoạch sim rừng tự nhiên, lấy mật ong rừng, săn bắt, khai thác gỗ... Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại xã An Toàn cũng như hệ quả của việc khai thác núi rừng, anh Trần Văn Bé (Sn 1991) quyết định xây dựng mô hình du lịch bền vững từ việc thay đổi nhận thức của người dân nơi đây. 
 Anh Trần Văn Bé – Một trong những hướng dẫn viên du lịch đầu tiên khai thác mô hình du lịch bền vững tại xã An Toàn
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất núi rừng đại ngàn với niềm say mê cảnh đẹp hùng vĩ của mẹ thiên nhiên. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh tìm đến những khu du lịch nổi tiếng trên đất nước Việt Nam để làm việc và học hỏi kinh nghiệm như Bãi Xếp (Quy Nhơn); Phong Nha (Quảng Bình), Hội An…. Anh còn tham gia dẫn tour xuyên Việt cho du khách nước ngoài qua các tỉnh, thành từ Tp. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Hội An, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Giang, Sapa… đến thủ đô Hà Nội.  
 
 Trước khi quay về quê hương, anh Bé từng làm hướng dẫn viên du lịch tại các khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam
Trải qua 5 năm rong ruổi, bằng những kinh nghiệm tích lũy được, năm 2020 anh quay về quê hương cùng Hoàng Văn Mão (Sn 1992) và chàng thợ rừng Phan Thao (Sn 1987) quyết định khởi nghiệp. Anh Bé chia sẻ: “Khi làm hướng dẫn viên du lịch thì biết ở những cái địa phương khác có cái gì hay, cảnh đẹp như thế nào, so sánh địa phương mình thì mình có thế mạnh gì, mình thua người ta những gì và quan trọng nhất là xem cái cách người ta làm du lịch như thế nào để phát triển một cách bền vững, mang lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng, đi kèm đó là bảo vệ rừng, thiên nhiên, họ làm rất là hay”.
 
 Rừng nguyên sinh cùng thác nước hùng vĩ tạo nên thế mạnh để phát triển du lịch nơi đây
Dựa vào thế mạnh của rừng nguyên sinh tại xã An Toàn, anh Bé đã thiết kế nên Cung đường trekking xuyên qua 2 khu bảo tồn thiên nhiên của 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai để đặt chân đến nàng thơ K50 (thác Hang Én). Tại đây, anh tìm đến những người thợ rừng kì cựu, thuyết phục họ từ bỏ việc khai phá rừng và cùng xây dựng mô hình du lịch bền vững. “Anh muốn mọi người không cần phải chặt cây, bắt thú rừng để kiếm sống nữa, vì rừng có bao giờ còn mãi để chúng ta khai thác đâu. Thay vào đó, chúng ta phải bảo vệ rừng, giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ và giá trị của nó để thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm thiên nhiên một cách chân thật nhất. Từ việc bảo vệ hệ sinh thái rừng mà du lịch địa phương cũng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, góp phần vào phát triển kinh tế cộng đồng. Đó là du lịch bền vững. Như vậy, quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của cộng đồng nơi đây.”- Anh Bé nhận định. 
 
 Những đoàn khách du lịch tìm đến khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tại xã An Toàn
Đến nay, anh Bé đã thành lập Công ty TNHH “Easy Kong Adventure”, anh và những hướng dẫn viên đều là người bản địa cực kỳ thân thuộc với địa hình rừng núi nơi đây. Anh luôn ấp ủ mong muốn “đưa An Toàn vào danh sách điểm du lịch phải đến của Việt Nam”. Đồng thời, giới thiệu đến những người yêu thiên nhiên rằng không chỉ có thác K50 mà vẻ đẹp của An Toàn là cả một cung đường trekking: đồi sim rộng nhất nước ta, rừng lá nón, rừng dương sỉ, thác K40, thác Giáng Tiên, suối nước Nan… cùng văn hóa đời sống của đồng bào Bana và ẩm thực đặc sắc của vùng cao nguyên. 
Cung đường tìm đến những vẻ đẹp ẩn sâu nơi rừng già
Hành trình khám phá Nóc nhà Bình Định với tổng thời gian 2 ngày 1 đêm, đoạn đường trekking dài khoảng 21km từ làng An Toàn của huyện An Lão (Bình Định) và kết thúc tại huyện Kbang (Gia Lai). Xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất của tỉnh Bình Ðịnh) và Khu bảo tồn Kon Chư Răng thuộc tỉnh Gia Lai. Cả hai khu bảo tồn trên đều là những vùng sinh thái quan trọng của Việt Nam và thế giới, đã được nhiều tổ chức bảo tồn quốc tế đánh giá cao bởi tính đặc hữu và giá trị bảo tồn nhiều loài động thực vật quan trọng. 
 
 Con đường rợp bóng cây, uốn lượn xuyên qua hai khu bảo tồn thiên nhiên
Cung đường này đẹp nhất vào giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 7 khi đồi sim bắt đầu ra hoa đến lúc chín. Nếu tháng 3 hoa sim nở rực nhuộm tím một góc trời thì có lẽ tháng 7 chính là thời điểm trái sim chín mọng, nặng trĩu cành đợi dân làng đến thu hoạch. Đồi sim rộng hơn 200 hecta và là một trong những đồi sim lớn nhất nước Việt Nam. Không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp của một vùng quê yên bình, cây sim còn mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Sim thu hoạch về được ngâm rượu trở thành đặc sản làm say lòng du khách của người dân Bana nói riêng và An Lão nói chung. Đồi hoa sim cũng là điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất trên cung đường trekking này. 
 
 Đồi sim rộng hơn 200 hecta cùng là địa điểm dừng chân của nhóm du khách


 Vào tháng 3, hoa sim nở rộ cả vùng trời


 Qua tháng 7, sim bắt đầu chín cũng là mùa thu hoạch của người dân Bana
Theo chân người bản địa bước vào thiên nhiên hoang dã, du khách có thể nghe tiếng suối chảy róc rách lẫn trong tiếng chim rừng ca ríu rít, hòa mình vào không khí mát lạnh và ngẩn ngơ trước cảnh đa sắc màu của cỏ cây hoa lá rừng. Xuyên suốt đoạn đường, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của thảm thực vật khi băng qua khu rừng lá nón và tìm hiểu về nghề làm nón của địa phương, sững sờ trước rừng cây dương sỉ cổ thụ, hay đứng trên “Cổng trời” phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng và thung lũng An Lão bao la trùng điệp… Không chỉ vậy, đối với những bạn trẻ nơi thành phố, trải nghiệm ngâm chân dưới con suối nước Nan trong vắt, mát lạnh và đắm mình dưới con thác K40 sau hành trình dài chắc chắn sẽ trở thành kỉ niệm khó quên của thanh xuân. 
 Các bạn trẻ phấn khích trước trải nghiệm lội suối mát lạnh
Điểm đến của chuyến đi chính là thác K50 nằm giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, được mệnh danh là “nàng thơ” ngủ quên nơi rừng già. Đứng ở chân thác, du khách không khỏi ngớt lời trầm trồ khen ngợi một bức tranh thiên nhiên hài hòa. Màn nước buông xuống như dải lụa trắng xóa đẹp mắt, trông mềm mại nhẹ nhàng nhưng rất đỗi hùng vĩ. Những tia nước đuổi nhau dưới ánh nắng tạo thành cầu vòng đẹp mê hồn khiến ai chứng kiến cũng phải thích thú reo lên. Xung quanh thác được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh xanh tốt với nhiều thảm thực vật phong phú, đa dạng. Trước một tuyệt tác của thiên nhiên, dường như những mệt mỏi của hành trình nhanh chóng tan biến theo làn nước thay vào đó là sự choáng ngợp và cuối cùng thỏa mãn khi được đền đáp một cách xứng đáng. Xuyên suốt hành trình, du khách còn được lắng nghe những giai thoại, sử thi của cao nguyên đại ngàn, thưởng thức đặc sản và chiêm ngưỡng kiến trúc nhà sàn cũng như văn hóa đời sống của người dân tộc thiểu số Bana. 
 
 Thác K50 rất nên thơ…


 …nhưng không kém phần hùng vĩ
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Bé cho biết, khi du lịch địa phương có bước tiến triển, anh sẽ thiết kế tour dài ngày hơn, xây dựng homestay, farmstay… để du khách có thể cảm nhận không gian văn hóa của người Bana. Từ đó, người dân có thể bán được những sản phẩm từ rừng như mật ong, rượu sim và rượu cần… thúc đẩy kinh tế địa phương. Như vậy, mô hình du lịch bền vững sẽ tạo ra lợi nhuận vừa bảo tồn thiên nhiên vừa quảng bá cảnh đẹp của An Toàn đến du khách trong và ngoài nước. 
 
 Những đặc sản tử rừng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương
Ánh Tuyết
Theo langnghevietnam.com

Bình luận