Bình Dương nâng báo động dịch lên mức cao nhất
  • Home/
  • Tin tức/
  • Bình Dương nâng báo động dịch lên mức cao nhất
Tin tức

Bình Dương nâng báo động dịch lên mức cao nhất

Trước diễn biến rất phức tạp với số ca dương tính ngoài cộng đồng tăng cao, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống nhân dân, Tỉnh ủy Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 gắn với hoàn thành các nhiệm vụ chính trị năm 2021.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người dân ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. (Ảnh: CDC Bình Dương)

Báo động dịch lên mức cao nhất

Tính đến 17 giờ ngày 29/6, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 326 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng kể từ đợt dịch thứ tư bùng phát. Theo nhận định từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số ca mắc tại tỉnh Bình Dương tăng rất nhanh, chuyển qua cấp độ 5 (>300 ca), do đó báo động dịch lên mức cao nhất để tập trung biện pháp và nguồn lực kịp thời chống dịch.

Chuyển trạng thái phòng, chống dịch, ngành y tế Bình Dương đang tập trung nguồn lực cắt đứt nguồn lây bệnh, khống chế các ổ dịch; trong đó có các chuỗi lây nhiễm có nhiều ca bệnh trong doanh nghiệp như: Chi nhánh Xí nhiệp xử lý chất thải Bình Dương, Công ty cổ phần House Wares Việt Nam, Công ty gốm Hiền Hòa Anh, Công ty Wanek…

Trong tổng số  326 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng được ghi nhận tính từ đợt dịch thứ 4 đến ngày 29/6 tại Bình Dương, có 24 trường hợp được phát hiện khi đến khám tại các cơ sở y tế, 195 trường hợp phát hiện trong các khu cách ly tập trung và 104 trường hợp phát hiện trong các khu phong tỏa tại thành phố Dĩ An, thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết, trong tổng số 328 ca đang điều trị trong đợt dịch thứ tư này (gồm 326 trường hợp trong cộng đồng, một chuyên gia nước ngoài, một ca tái dương tính sau khi hoàn thành điều trị tại Khánh Hòa), đến nay đã có bốn bệnh nhân khỏi bệnh. Hiện còn 324 bệnh nhân đang điều trị, trong đó, có ba bệnh nhân nặng phải thở máy, ba bệnh nhân thở oxy.

Nhằn ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch diện rộng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Công văn đề nghị Bộ Y tế xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; chi viện lực lượng cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ, điều dưỡng điều trị bệnh nhân Covid-19; hỗ trợ test nhanh, test Realtime-PCR phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19, các phương tiện phòng hộ khác như: khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, nước sát khuẩn....

Công văn cũng đồng thời đề nghị Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; hỗ trợ công tác lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR Covid-19.

Tập trung phòng, chống dịch

Phong tỏa một tuyến đường trên địa bàn, báo động dịch lên mức cao nhất, Bình Dương thực hiện nhiều biện pháp cấp bách. 

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với số ca dương tính ngoài cộng đồng tăng cao từ cuối tháng 4/2021 đến nay, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống nhân dân, Tỉnh ủy Bình Dương vừa ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 gắn với hoàn thành các nhiệm vụ chính trị năm 2021.

Theo nội dung Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và lực lượng vũ trang trong tỉnh xem phòng, chống, khống chế dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh; ưu tiên mọi nguồn lực, thời gian và công sức quyết tâm khống chế dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để mọi người đều nhận rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Toàn Đảng, toàn dân, lực lượng vũ trang trong tỉnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là triệt để triển khai ứng dụng công nghệ số (sử dụng ứng dụng Bluezone và khai báo y tế điện tử) để giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình dịch bệnh theo nguyên tắc vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Xác định công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp và đối tượng công nhân lao động là ưu tiên hàng đầu, tranh thủ từng giờ, từng phút, triển khai nhanh chóng, thần tốc, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn có các ca nhiễm Covid-19 ở cộng đồng, địa bàn có nhiều các khu nhà trọ cho công nhân lao động.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, kịch bản phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ. Đặc biệt, là tình huống vừa phòng, chống dịch lan rộng tại các khu, cụm công nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho công tác sản xuất của doanh nghiệp.

Xây dựng phương án sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực; chuẩn bị thêm các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến ngoài những địa điểm đã chuẩn bị từ trước để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp cần thiết. Chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo và các khâu tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch…

Chỉ thị cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí và các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Căn cứ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Y tế tại buổi làm việc ngày 27/6 tiến hành rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện công tác phòng, chống dịch và tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các ngành, các lĩnh vực, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có giải pháp chấn chỉnh và tháo gỡ khó khăn trong  công tác phòng chống dịch, trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tăng cường bám sát địa bàn, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; tập trung nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ chính trị; chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nêu trên đối với lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Thường trực cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ theo dõi, kiểm tra chặt chẽ công tác phòng, chống dịch tại địa bàn phụ trách; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã đề ra trong năm 2021 của địa phương, đơn vị được giao phụ trách…

TRỊNH BÌNH
Theo nhandan.vn

Bình luận