Bình Phước: Phát triển nghề truyền thống của người Khơme
  • Home/
  • Tin tức/
  • Bình Phước: Phát triển nghề truyền thống của người Khơme
Tin tức

Bình Phước: Phát triển nghề truyền thống của người Khơme

Nghề đan lát của đồng bào Khơme có từ rất lâu đời. Trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày và tổ chức lễ hội, người Khơme sử dụng rất nhiều vật dụng từ nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Đó là những nong, nia làm thóc; mâm ăn cơm, để đồ cúng; chiếu, rổ, giỏ tuốt lúa, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá... và đặc biệt rất nhiều loại gùi với mẫu mã và công dụng khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm truyền thống của người Khơme chỉ còn trong tiềm thức. Thậm chí, rất ít người ở các buôn, làng có thể đan được các sản phẩm truyền thống. Trước nguy cơ mai một của nghề này, các sở, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Ninh và những người yêu nghề truyền thống đã tìm nhiều hướng đi để khôi phục.

Nhắc đến nghề đan truyền thống của người Khơme, ông Lâm Lốt, ngụ ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh trầm ngâm, đôi mắt đượm buồn vì số người Khơme hiện tại biết về nghề đan lát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng ông Lâm Lốt vẫn nhớ, thành thạo các kỹ năng đối với nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình. Ông và nhiều người lớn tuổi trong sóc rất muốn truyền cho các thế hệ sau để góp phần gìn giữ nghề đan truyền thống.

Những người thành thạo nghề đan lát ở Lộc Khánh không còn nhiều
Trước thực trạng đó, đầu tháng 12-2020, Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Lộc Ninh tổ chức lớp truyền dạy và thực hành mô hình đan lát truyền thống của người Khơme trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Lộc Khánh. “Địa phương rất quan tâm, động viên tôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Tôi cũng mong muốn ở các thế hệ trẻ phải biết giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào mình. Có như thế, văn hóa truyền thống của người Khơme mới tiếp tục được truyền nối và không bị mai một” - ông Lâm Ngôn ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh bộc bạch.

Nói về vấn đề bảo tồn, phát triển nghề đan truyền thống của người Khơme trên địa bàn xã, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: Trước khi Vụ Văn hóa dân tộc thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát, UBND xã cũng đã phối hợp các đơn vị chức năng của tỉnh, huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật của nghề này cho người dân.   

Với sự hỗ trợ của các cấp bộ, ngành, chính quyền và sự quyết tâm của người Khơme trên địa bàn xã Lộc Khánh, mong muốn làng nghề đan lát truyền thống của người Khơme xã Lộc Khánh nói riêng và huyện Lộc Ninh nói chung sẽ ngày càng phát triển. Đồng thời, góp phần giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, phát triển kinh tế gia đình từ chính nghề truyền thống này.
 
Tin, ảnh: Văn Hùng
Theo langngheviet.com.vn

Bình luận