Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em
  • Home/
  • Tin tức/
  • Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em
Tin tức

Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em

 

Trước vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách chế tài bảo đảm thực hiện quyền lợi, phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em.

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em khiến dư luận trong nước không khỏi bức xúc, phẫn nộ. Dù đã có sự can thiệp, hỗ trợ từ cơ quan chức năng nhưng hành vi bạo hành trẻ em đến nay vẫn chưa được giải quyết, ngăn chặn triệt để.

 Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em

Ghi nhận từ cuối 1/2021, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xử lý vụ việc bé gái 12 tuổi bị cha dượng xâm hại, mẹ ruột bạo hành tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông.

Ngày 04/08/2021, Công an TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đã tiến hành bắt khẩn cấp, tạm giữ đối tượng đánh đập bé trai 5 tuổi tại nhà riêng. Ngày 07/09/2021, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ nghi phạm đánh đập đến chết bé gái 6 tuổi ở Xuân Đỉnh, được biết nghi phạm này cũng là bố ruột của nạn nhân.

Ngày 23/11/2021, cơ quan chức năng huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh ghi nhận trường hợp bé trai 1 tuổi tử vong sau khi bị người tình của mẹ đánh đập tàn nhẫn. Đến tháng 12/2021, CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố đối tượng dùng kìm nhổ răng, đánh đập con riêng của vợ đến chết.

Mới đây vụ việc bé gái N.T.V.A. (8 tuổi) bị mẹ kế đánh đập tàn nhẫn đến chết tại chung cư (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) như giọt nước tràn ly khiến khiến dư luận thêm phần dậy sóng. Theo lời kể của hàng xóm sống cùng chung cư nạn nhân, họ thường nghe thấy tiếng la hét, khóc lóc của trẻ con trong thời gian dài nhưng vẫn không được giải quyết triệt để dù đã phản ánh với Ban quản lý chung cư. Được biết, bố mẹ bé N.T.V.A. ly hôn khoảng 1 năm nay, bé A. sống với bố là ông T. (36 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) và mẹ kế Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai). Trong biên bản khám nghiệm tử thi cơ quan công an, đánh giá nạn nhân từng bị bạo hành nhiều lần, trên cơ thể đã có nhiều vết thương cũ. Cụ thể, bác sĩ cho biết bé A. bị phù phổi nặng, nách phải, nách trái, mông có nhiều vết bầm tím, bị rách ở đầu, vùng mặt có vết thương được khâu vá, mờ cũ. Ngày 28-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố vụ án, ra lệnh tạm giam mẹ kế Võ Nguyễn Quỳnh Trang về hành vi hành hạ người khác. Điểm chung của những vụ việc trên là đối tượng bạo hành thường là người thân, cha dượng hoặc mẹ kế của nạn nhân. Có thể thấy, gia đình là nguồn cơn của các vụ bạo hành và tâm lý chung của phụ huynh thường chủ quan, không khai báo, thiếu hợp tác với cơ quan chức năng.

Cần nâng cao ý thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ em
Đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã bị khởi tố về tội hành hạ người khác theo điều 140 BKHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Ảnh: Nguyễn Yên (PL TP.HCM)

Việt Nam tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em từ năm 1989, qua đó từng bước nỗ lực thực hiện công tác giáo dục, bảo vệ quyền lợi trẻ em và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo Luật Trẻ em 2016, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình có nghĩa vụ đảm bảo thực hiện quyền lợi và bổn phận của trẻ em. Quyết định số 1863/QĐ-TTg, ngày 23/12/2019, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em” cũng nhận định, bảo vệ Trẻ em không còn là nhiệm vụ của riêng cá nhân, gia đình mà là nghĩa vụ chung của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội.

Vì thế, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tội phạm bạo hành trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng vi phạm quyền trẻ em ngày càng gia tăng, Việt Nam cần sớm hoàn thiện các biện pháp chế tài, quán triệt khung hình phạt phù hợp, góp phần xử lý triệt để và ngăn chặn những hành vi tổn hại đến quyền lợi trẻ em. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nâng cao ý thức, tư duy, trách nhiệm của người dân về hành vi gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể danh dự người khác nói chung và trẻ em nói riêng.

Ngọc Lê

Theo sao.baophapluat.vn 

Bình luận