Cây Đước rừng ngập mặn Cà Mau mang nhiều giá trị
  • Home/
  • Tin tức/
  • Cây Đước rừng ngập mặn Cà Mau mang nhiều giá trị
Tin tức

Cây Đước rừng ngập mặn Cà Mau mang nhiều giá trị

Cây đước loài cây thân thuộc với bà con đất mũi, những người dân sinh hoạt, lao động dưới tán rừng ngập mặn ven biển Cà Mau. Theo thời gian, cây đước, rừng đước không chỉ tham gia vào cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Cây đước còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển những làng nghề làm đũa, hầm than, đồ mỹ nghệ vươn lên mạnh mẽ, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch tại Cà Mau.
Đước đi vào thơ ca, đời sống

Xuôi dòng Hậu Giang tìm về rừng nước, nơi tận cùng của phía nam Tổ quốc, kéo dài từ bờ Đông sang Tây, rừng đước –  rừng tràm từ xưa đã đóng vai trò quan trọng trong việc chống xâm thực của biển vào đất liền, đem lại nguồn dự trữ sinh quyển dồi dào, đồng thời là căn cứ hậu phương vững chắc tạo tiền đề cho bao chiến công chống giặc ngoại xâm của người dân đất mũi. Ở Cà Mau, khi nhắc đến cây tràm người ta sẽ nghĩ ngay đến miệt rừng U Minh, còn đối với đước – những rặng cây ngập nước, mọc từ bùn đen nhưng vẫn vươn cao thẳng băng, đầy vững chãi và kiêu hãnh, chắc chắn chỉ có thể là rừng đước Năm Căn.

Rừng Đước Cà Mau

Rừng đước Năm Căn thuộc xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, được mệnh danh là khu rừng ngập mặn lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau rừng Amazon. Trong những năm tháng kháng chiến, người dân đất mũi đã vào rừng để ẩn náu, lập làng và xây dựng thành lũy. Địa danh “làng rừng Cà Mau” cũng xuất hiện từ đó. Chính nhờ địa hình trùng điệp cùng các kênh rạch chằng chịt, rừng đước không ít lần gây khó khăn cho địch, từ đó quân dân ta mới có thể làm tan tác bao cuộc càn quét và góp phần bẻ gãy nhiều đợt tấn công trên sông.
 

Rừng đước Năm Căn - Làng rừng chống giặc lừng lẫy của bà con đất mũi

Những rặng đước Năm Căn kiên cường, bất khuất đã đi vào văn chương trong truyện ngắn Cây đước Cà Mau của nhà văn Đoàn Giỏi: “Năm Căn giờ đây đang ngẩng đầu lên, trùng điệp một màu xanh lá đước. Những cây đước cao vút, rễ chi chít từ giữa thân trổ xuống như những cánh tay thò ra bám đất. Như người dân Nam bộ luôn luôn bám đất, chiến đấu không ngừng trước kia và trong mười năm kháng chiến để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập, dân chủ cho Tổ quốc.” 
 

Cây đước phòng hộ – vệ sĩ bờ biển vùng ngập mặn

Nhà thơ Tố Hữu – ngọn cờ đầu của thơ Cách Mạng cũng từng ngợi ca phẩm chất cao quý của loại cây này trong bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng như sau: “Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng, gió càng lay càng dựng thành đồng”.

Đước rừng ngập mặn Cà Mau tặng phẩm quý giá từ thiên nhiên

Loại cây mang lại nhiều giá trị

Trong số hơn 200 loài cây tại rừng ngập mặn Cà Mau, cây đước là loại cây nổi bật và mang lại nhiều giá trị nhất. Ngày xưa, rừng đước còn gắn liền với nghề làm đũa của cư dân bản địa. Đến nay, nguồn nguyên liệu đước dồi dào lại giúp người dân Cà Mau thuận lợi phát triển nghề hầm than, làm đồ mỹ nghệ, các vật dụng và sản phẩm có giá trị kinh tế cao. 

Hầm than đước Cà Mau một nghề truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao vẫn được gìn giữ  đến tận ngày nay 

Hợp tác xã (HTX) Ðồng Tâm, ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, là một trong những HTX gắn bó với nghề làm than đước. Than đước là loại than sản xuất từ gỗ cây đước, được sử dụng để đốt dưới các loại bếp nướng. Loại than này không gây ám mùi như các loại than hoa, than củi, đồng thời cũng hạn chế thải các chất gây ô nhiễm môi trường và không nguy hại đến sức khỏe con người, do đó rất được người dân ưa chuộng. Ngày trước, nghề làm than ở địa phương bị cấm do lo ngại người dân chặt phá cây rừng. Khoảng 10 năm nay, khi vào HTX, bà con mua nguyên liệu để hầm than chứ không còn làm lén lút như trước.

Than đước được người dân phân loại và đóng gói trong các hầm than

Ông Nguyễn Thanh Tùng, có trên 40 năm gắn bó với nghề cho biết, nhờ chất lượng than đước của địa phương tốt, nhu cầu của thị trường ổn định, giá trị ngày càng tăng, nên nghề làm than đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Nhiều hộ dân tại huyện Năm Căn, Ngọc Hiển của tỉnh tận cùng tổ quốc cũng có mấy đời hành nghề, riêng HTX Ðồng Tâm hiện có hơn 30 xã viên gắn bó với nghề. Ông Lâm Văn Sáng, một trong những xã viên vươn lên nhờ nghề chia sẻ, cây đước đang giúp nhiều người gắn bó với nghề hầm than truyền thống nơi miệt rừng ngập mặn Cà Mau vươn lên, công việc tuy có vất vả nhưng lợi nhuận lại cao hơn. 

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ cây đước

Các sản phẩm thủ công từ đước cũng trở thành mặt hàng du lịch được ưa chuộng. Từ đó, giá trị cây đước ngày càng được khẳng định, đáng kể là “Ðũa đước Cà Mau”. Vài năm gần đây, ngoài nhu cầu phục vụ địa phương, đũa đước tiếp tục thu hút du khách mỗi khi đến du lịch miền đất Mũi. Nghề làm đũa ở hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng nhất bởi tính thẩm mỹ, sự bền đẹp. Mặt hàng này đã giúp ông Huỳnh Trường Giang, một xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, cùng nhiều hộ dân gắn bó với nghề ăn nên làm ra. 
 

Đũa đước Cà Mau tặng phẩm ưa thích của du khách phương xa

Đước đã trở thành biểu tượng và là niềm tự hào của người dân Cà Mau. Nó không chỉ gắn liền với lịch sử và văn hóa đất mũi, mà còn giữ vai trò quan trọng đối với môi trường và hệ sinh thái, bảo vệ đường bờ biển nước ta, mang lại nhiều giá trị văn hóa làng nghề và góp phần phát triển kinh tế. 
Huỳnh Kha
Theo langngheviet.com

Bình luận