Đình Ông Lữ dấu ấn lịch sử Cách mạng
  • Home/
  • Tin tức/
  • Đình Ông Lữ dấu ấn lịch sử Cách mạng
Tin tức

Đình Ông Lữ dấu ấn lịch sử Cách mạng

Đình Ông Lữ không chỉ là di tích mang đậm nét nghệ thuật của kiến trúc Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu XIX. Mà còn là minh chứng lịch sử tồn tại xuyên suốt quá trình đấu tranh oai hùng của nhân dân huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) trong hai cuộc chiến chống thực dân và đế quốc.

Nét văn hóa thờ cúng, tín ngưỡng dân gian cuối thế kỷ XVIII đầu XIX

Vào năm 1819, nhằm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, khai phá đất đai, các vị có chức sắc trong làng đã vận động nhân dân trong vùng xây cất nên đình. Ban đầu, đình được xây cất trên phần đất ông Phan Văn Sĩ thuộc ấp Mỹ Hưng, giáp với ấp Mỹ Tường, xã Mỹ Đức Tây. Đến năm 1879, đình được dời về phần đất của ông Trương Văn Cơ bên cạnh rạch Ông Lữ thuộc ấp Mỹ Phú nên được gọi là Đình Ông Lữ và tồn tại cho đến nay. 
 
Đình tọa lạc bên bờ sông Cái Thia, được xây dựng theo kiểu chữ Tam (三), kiểu kiến trúc có ba nếp nhà song song, gồm vỏ ca, vỏ quy và chánh điện (hạ, trung và thượng). Đây là kiểu kiến trúc đặc trưng của đình làng Việt Nam thế kỷ XVIII đầu XIX. Người dân trong vùng đã dùng chất liệu gạch đá, ngói, gỗ, cột, kèo, xiên, trính, để xây cất nên ngôi đình, vừa tạo được thế đứng vững chắc cho công trình, vừa mang lại giá trị nghệ thuật tạo hình truyền thống. Cả trong lẫn ngoài, đình được trạm trổ công phu và tỉ mỉ, với các bao lam, hoành phi, câu đối, bàn thờ, khám thờ,... Các đề tài đều mang triết lý Âm Dương của phương Đông, thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp và mang ý nghĩa đặc biệt trong việc giáo dục văn hóa, đời sống tinh thần.
 
Đình Ông Lữ dấu ấn lịch sử Cách mạng
 
Đình Ông Lữ có 2 lễ cúng Thượng điền và Hạ điền, diễn ra vào các ngày 15 - 16 tháng 3 và 15 - 16 tháng 11 Âm lịch, bên cạnh đó lễ cúng miễu Bà Chúa Xứ thường được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Hằng năm, vào những dịp lễ quan trọng, không chỉ nhân dân địa phương mà cả người dân tứ xứ cũng đồng loạt tề tựu về đây tham dự. Những dịp lễ này là cơ hội để nhân dân thập phương bày tỏ mong ước về một cuộc sống an lành, đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước của những thế hệ cha ông đi trước. 

Minh chứng hiện hữu của một thời lịch sử hào hùng

Trong cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Ông Lữ chính là cơ sở cách mạng vững chắc, phục vụ cho cuộc chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân xã Mỹ Đức, huyện Cái Bè. Vào những năm 1952, máng xối vỏ quy và chánh điện chính là nơi giấu súng đạn của du kích xã. Đến năm 1963, hầm bí mật bên dưới bàn thờ trở thành kho cất giấu vũ khí và ẩn nấp của cán bộ cách mạng khỏi những lần càn quét, khủng bố của địch. Năm 1968, cán bộ cách mạng xã, huyện trú ẩn tại đình thường xuyên tổ chức đánh địch và lập ấp chiến lược ở vàm Móc Mang, đồn bốt ở lộ Bà Khoa, đồn Cầu Cháy - Cái Thia. Sau thời kỳ kháng chiến, dù được người dân trùng tu lại nhiều dần do bom đạn địch tàn phá, đình Ông Lữ vẫn giữ được những nét cổ kính đặc trưng, mang đậm dấu ấn riêng của một giai đoạn chiến đấu trường kỳ.

Đình Ông Lữ biểu tượng cho sự kiên cường và bất khuất của nhân dân tỉnh Tiền Giang. Ngày 15/02/2000, nhằm gìn giữ những di tích lịch sử, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 09/2000/QĐ-UB công nhận Đình Ông Lữ là một Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. 
Huỳnh Kha
Theo langngheviet.com.vn
https://langngheviet.com.vn/van-hoa-xa-hoi/dinh-ong-lu-dau-an-lich-su-cach-mang.html26988

Bình luận