Người dân được đốt loại pháo nào dịp Tết Tân Sửu 2021?
  • Home/
  • Tin tức/
  • Người dân được đốt loại pháo nào dịp Tết Tân Sửu 2021?
Tin tức

Người dân được đốt loại pháo nào dịp Tết Tân Sửu 2021?

Theo Nghị định số 137/2020 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép đốt các loại pháo hoa gồm pháo bông (pháo que); pháo phụt sinh nhật; pháo điện; Pháo hoa lễ hội bằng giấy; pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa..., các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh.

Bắt đầu từ ngày 11/1/2021, Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Nghị định số 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo.

Theo Nghị định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Như vậy, theo quy định của Nghị định, người dân được phép đốt các loại pháo hoa gồm: Pháo bông (pháo que); pháo phụt sinh nhật; pháo điện; Pháo hoa lễ hội bằng giấy; pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, tre, trúc, kim loại; các sản phẩm tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh…

Ngoài ra, người dân phải mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. Việc mua pháo hoa ở các hàng cửa hàng tạp hóa, cửa hàng trang trí như hiện nay là không đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa.

Phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ theo Nghị định 137

Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Như vậy, pháo hoa nổ trước đây Nghị định số 36/2009/NĐ-CP quy định là pháo hoa thì nay Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quy định là pháo nổ và bị cấm sử dụng, trừ các trường hợp Nhà nước tổ chức bắn pháo hoa nổ vào các ngày lễ lớn và các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong khi đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Các hành vi nghiêm cấm liên quan đến pháo

Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm:

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định.

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo...

Tin: Nhật Minh
Theo ngaymoionline.com.vn

Bình luận