Nữ tình báo Tám Thảo kể về những năm tháng hoạt động trong lòng địch
  • Home/
  • Tin tức/
  • Nữ tình báo Tám Thảo kể về những năm tháng hoạt động trong lòng địch
Tin tức

Nữ tình báo Tám Thảo kể về những năm tháng hoạt động trong lòng địch

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến trường không chỉ diễn ra ngoài mặt trận mà còn diễn ra ngay trong lòng địch, nơi những chiến sĩ tình báo xuất sắc nhất của quân đội ta lặng lẽ lập chiến công. Nữ tình báo xinh đẹp Nguyễn Thị Mỹ Nhung (Tám Thảo) dưới vỏ bọc người con gái tư sản đã xuất sắc hoàn thành những nhiệm vụ khó nhằn góp phần to lớn cho chiến thắng ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Thượng úy, cựu chiến binh Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo) sinh năm 1932, nguyên là cán bộ Cụm tình báo H63, Đoàn J22, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Trong 45 năm phục vụ cách mạng, nhất là trong hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ giao thông viên bí mật của Cụm tình báo, có một thời gian cô Tám Thảo đã trực tiếp chuyển, nhận tài liệu, sự chỉ đạo của tổ chức từ nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn vượt qua các trạm, bốt gác dày đặc trong nội đô Sài Gòn về chiến khu an toàn.

Gặp cô Tám Thảo trong một ngày se lạnh cuối năm, với mái tóc bạc phơ uốn nếp gọn gàng cùng gương mặt hiền từ, cô vẫn giữ được nét kiêu kỳ vốn có của người tiểu thư Sài Thành xưa. Tuy đã bước sang độ tuổi 89 nhưng trông cô vẫn rất minh mẫn, hoạt bát. Theo giọng kể trầm ấm, cô đưa chúng tôi quay về những năm kháng chiến ác liệt, cam go, gian khổ. Như một thước phim quay chậm, chúng tôi có cơ hội chứng kiến hành trình từ cô gái rải truyền đơn 16 tuổi trở thành một nữ tình báo dũng cảm, thông minh, khôn khéo vượt qua kiểm soát của địch để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.

Thượng úy, cựu chiến binh Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, tên thường gọi là Tám Thảo)

Xuyên suốt quá trình hoạt động, cô đã trải qua vô vàn chuyến đi bão táp nhưng để lại ấn tượng nhất là lần nhận nhiệm vụ vận chuyển 24 cuốn phim Kodak từ nội thành Sài Gòn ra Củ Chi vào năm 1961. Dù chuyến xe bị 3 tên địch chặn lại khám xét, nhưng với sự bình tĩnh và ứng biến mau lẹ trước tình huống, cô thành công qua mặt địch và bảo vệ an toàn tài liệu, đưa về căn cứ giao tận tay cho lãnh đạo của mình là đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh. Sau này, đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, đó là những tài liệu hết sức quan trọng của đối phương, giúp lực lượng cách mạng nắm được ý đồ, kế hoạch tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để tấn công lực lượng cách mạng miền Nam.

Một chuyến giao liên khác, được chính Phạm Xuân Ẩn lái xe đưa đến trạm trung chuyển xe lam Củ Chi, cô định đón xe đi Phú Hòa Đông nhưng khi vào bến thấy vắng ngắt, cô sững người biết địch cấm xe qua lại vì đang sửa căn cứ Đồng Dù. Tám Thảo vô cùng lo lắng, cô chợt nhìn thấy Xuân Ẩn vẫn ngồi trong xe, ánh mắt dõi theo, tay cầm điếu thuốc đã tàn rất dài có ý chờ xem cô xử lý ra sao. Ánh mắt ấy, đến nay Tám Thảo vẫn nhớ như in, cô nhận được tình cảm, sự lo lắng cũng như lòng tin cậy và chính điều này đã tiếp sức cho cô bình tĩnh tìm xe ngựa thay thế để tiếp tục hành trình. Đến nay, khi quay lại những đoạn đường giao liên lúc trước, cô vẫn có cảm giác “lạnh sống lưng” tựa như “đi vào cõi chết” rất chân thực. 

Năm 1966, với khả năng tiếng Anh và tiếng Pháp lưu loát, Tám Thảo đã trúng tuyển và chọn làm thông dịch viên cho sỹ quan cố vấn người Mỹ làm việc tại Bộ Tư lệnh Hải quân Chính quyền Sài Gòn. Từ đó, cô thu thập được nhiều tin tức, tài liệu quan trọng, đặc biệt là sơ đồ, bố trí lực lượng của Tổng Bộ Hải quân Việt Nam Cộng hòa; Tài liệu đánh giá của Mỹ và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, góp phần giúp lãnh đạo Đảng, Quân ủy Trung ương có những nhận định và xử trí thích hợp để giành chiến thắng trên chiến trường miền Nam. Không chỉ ẩn thân qua mặt lực lượng địch, cô còn xuất sắc đánh lừa Máy kiểm tra nói dối tân tiến của Mỹ, khiến quân địch không mảy may nghi ngờ. Sau đó ít lâu, Tám Thảo đã lấy được tư liệu đánh giá của Quân đội Sài Gòn về trận tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược cho cuộc chiến đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhiệm vụ hoàn thành, cô âm thầm trở về chiến khu cùng đồng đội ngóng tin ngày giải phóng.

Được tin cuộc tổng tiến công hoàn toàn thắng lợi, cô như vỡ òa cảm xúc cùng đồng đội. Bước vào cuộc sống thời bình, Tám Thảo chuyển ngành về công tác tại Sở Văn hóa- Thông tin TP Hồ Chí Minh, phụ trách Trung tâm nghiên cứu dịch thuật sau đó được đề bạt làm Phó Chủ tịch Thường trực. Sau 45 năm phục vụ cách mạng, 23 năm góp phần xây dựng đất nước, năm 2002 cô về hưu và sống cuộc sống thầm lặng tại Quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh. 

Với những thành tích, đóng góp to lớn, các chỉ huy cũ của cô Tám Thảo (Cụm tình báo H63) đã làm tờ trình đề xuất Bộ Quốc Phòng đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (Anh hùng LLVTND) cho nữ tình báo Tám Thảo. Tiếp đó, khi nhiều bài báo viết về chiến công của cô Tám Thảo được phát hành cùng sự ra đời Cuốn sách “Hai tiểu thư tình báo Sài Gòn” của nhà báo Diệu Ân, nữ tình báo Tám Thảo được cả nước biết đến và ngợi ca. Mãi đến năm 2018, sau 43 năm kể từ ngày đất nước giải phóng, cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định phong tặng. Năm 2019, Tám Thảo được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Mới đây ngày 19/12/2020, cô Tám Thảo đã tham gia Buổi họp mặt kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020) do Ban liên lạc Biệt Động Nội Thành Lữ đoàn 316 tổ chức. Tại đây, cô có cơ hội ôn lại kỉ niệm thời kháng chiến với Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) - Anh hùng LLVTND, Nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316. 

Chính nhờ những hi sinh thầm lặng của các chiến sĩ anh hùng vì nước quên thân mà ngày nay người Việt Nam mới có thể sống và hưởng thụ hòa bình, độc lập. Mặc dù tuổi đã xế chiều nhưng Tám Thảo vẫn hằng ngày học tập, rèn luyện bản thân, giữ mãi phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ. Gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ tương lai, cô mong muốn tuổi trẻ hãy ra sức học hỏi để trang bị bản thân thật tốt, mới có thể khẳng định lòng yêu nước bằng cách xây dựng đất nước. Nhất là phải học Lịch Sử để thấy sự hào hùng của dân tộc, từ đó dấy lên niềm tự hào, lòng kiêu hãnh của nòi giống “Con rồng cháu tiên”.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết

Theo langngheviet.com.vn

Bình luận