Thăng trầm làng dệt chiếu Định Yên
  • Home/
  • Tin tức/
  • Thăng trầm làng dệt chiếu Định Yên
Tin tức

Thăng trầm làng dệt chiếu Định Yên

Các làng nghề truyền thống là một trong những bản sắc dân tộc đáng lưu giữ của Việt Nam. Tuy nhiên có tuổi đời càng cao thì làng nghề càng trải qua nhiều thăng trầm và làng chiếu Định Yên cũng không ngoại lệ. Đứng trước khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm, làng chiếu này đã từng rơi vào bế tắc, mai một để rồi hồi sinh như hiện tại.

Cứ vào khoảng tháng 10 hàng năm, trong bầu không khí se se lạnh của những ngày đầu đông, xã Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) lại rộn ràng, tất bật trong tiếng âm vang của những khung dệt truyền thống hòa lẫn với âm thanh kẽo kẹt phát ra từ máy dệt chiếu tự động trong các cơ sở sản xuất gần đó, bởi nơi đây tồn tại làng nghề dệt chiếu truyền thống có tuổi đời trăm năm, cung cấp hàng ngàn tấm chiếu cho thị trường mỗi dịp tết đến xuân về.

Xuân về làng chiếu Định Yên lại với nhịp sống vội vã

Cách đây hơn 300 năm, Định Yên còn là một vùng đất hoang chưa qua cải tạo, vì thế canh tác cây lương thực không mang lại năng suất cao, ở vùng trũng thấp nước phèn ngập quanh năm ấy, chỉ có cây lát mới kiên trì bám rễ và vươn lên xanh mướt. Người dân nơi đây vì kế sinh nhai đã tận dụng loài cây thân mềm này để dệt nên những tấm chiếu màu sắc sặc sỡ và vô cùng bắt mắt với đa dạng mẫu mã như: Chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu Trà Niên, chiếu vảy ốc, chiếu cổ,...Về sau nghề dệt chiếu lan rộng trên khắp địa bàn xã và hình thành nên làng nghề nổi tiếng như ngày nay.

Dệt chiếu không quá khó nhưng vì trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm, dệt nên những người thợ thủ công theo nghề thường rất vất vả. Người dân trong làng truyền tai nhau bí quyết để chiếu dệt ra được bền, đẹp thì trước tiên phải chọn cây lác thật già, các sợi lác nhất định phải đều, không quá to cũng không quá nhuyễn. Toàn bộ quy trình sản xuất chiếu cần phải có 2 người, 1 người chùi lác và 1 người dệt. Hai nghệ nhân phối hợp với nhau vô cùng ăn ý, khi một người đưa sợi lát vào khung, người khác dập khung dệt thật mạnh để sợi lát dính liền nhau. Toàn bộ quy trình diễn ra với tiết tấu nhịp nhàng hòa cùng âm thanh lạch cạch vang vọng khắp ngôi nhà. Qua sự sắp đặt của đôi bàn tay tài hoa, những hoa văn đủ màu sắc của chiếu dần hiện lên. Nhiều khách du lịch tận mắt chứng kiến quá trình này đều phải ngỡ ngàng, vì không ai ngờ rằng từ những sợi lác mỏng manh qua óc sáng tạo và tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân lại có thể dệt nên một tấm chiếu đẹp mắt đến vậy.

Nếu trước đây người dân làm miệt mài 1 ngày chỉ được vỏn vẹn 2-3 đôi chiếu, thì ngày nay nhờ vào quá trình cơ giới hóa, năng suất của thợ dệt chiếu tăng lên đáng kể, trung bình 1 người có thể sản xuất đến 10 chiếc/ngày.

Nhờ áp dụng máy móc hiện đại, năng suất của người thợ dệt chiếu tăng đáng kể
Làng chiếu Định Yên đã có tuổi đời trăm năm, hiện nay tại xã Vấp Lò có hơn 3000 hộ dân gắn bó với nghề truyền thống. Trong đó, không ít gia đình đã kế thừa nghề dệt chiếu qua nhiều thế hệ theo hình thức cha truyền con nối. Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, làng nghề đã phải trải qua biết bao thăng trầm trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Có thể nói, những năm 1980 là thời điểm phát triển cực thịnh của làng chiếu này, nhờ mẫu mã đa dạng, bắt mắt cùng chất lượng bền, đẹp, thị trường tiêu thụ chiếu Định Yên lúc bấy giờ vô cùng rộng mở, mang lại đời sống ấm no cho hàng ngàn hộ dân trong xã. Các đôi chiếu Định Yên không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Thái Lan, Campuchia, Đài Loan,...Cũng trong khoảng thời gian này, nơi đây xuất hiện chợ chiếu Định Yên hay còn gọi là chợ Ma. Sở dĩ có cái tên như vậy vì ban ngày những người thợ thủ công bận rộn dệt chiếu nên phiên họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm để tiện cho họ mang sản phẩm ra bày bán, nhưng hiện tại hình thức này đã không còn nữa.
Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng rất vất vả
Chợ Ma mất đi cũng đánh dấu cho “nốt trầm” của nghề dệt chiếu làng Định Yên. Khoảng năm 2016, thị trường tiêu thụ chiếu nơi đây thu hẹp dần, cùng với đó giá thành chiếu ngày một sụt giảm, nhưng máy móc và nguyên liệu lại ngày càng tăng cao. Mỗi chiếc chiếu bán ra trên thị trường có giá trung bình chỉ tầm 68.000 đồng trong khi tiền vốn đã lên tới 65.000 đồng, thực trạng này đã khiến gần 70% hộ dân trên địa bàn xã phải khốn đốn, bỏ nghề và tìm công việc khác để kiếm thêm thu nhập.

Đứng trước tình trạng đó, trong những năm gần đây UBND huyện Lấp Vò đang nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề trong điều kiện mới. Cụ thể, bà Trương Thị Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Vấp Lò cho biết làng chiếu Định Yên sẽ tập trung xây dựng kế hoạch khôi phục chợ chiếu đêm, mở rộng các tour du lịch tham quan làng nghề để quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên, tích cực đẩy mạnh các chính sách thích hợp để phát triển làng nghề,...

Bên cạnh tạo nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã, làng chiếu Định Yên còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc của làng nghề truyền thống cũng như bản sắc văn hóa rực rỡ của dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, làng chiếu ngày nay đang dần hồi sinh với diện mạo mới nhờ những nỗ lực phát triển của chính quyền địa phương và hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch Đồng Tháp.
Tin, ảnh: Kim Khánh
Theo langngheviet.com.vn

Bình luận