Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/1
  • Home/
  • Tin tức/
  • Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/1
Tin tức

Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/1

 

Ngày 22/1, kỳ họp thứ nhất của HĐND thành phố Thủ Đức tổ chức để bầu các chức danh của HĐND và UBND thành phố Thủ Đức. Kể từ đây, chính quyền địa phương của thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động.

Thành phố Thủ Đức chính thức hoạt động từ ngày 22/1.

TP Thủ Đức được thành lập theo Quyết định số 4764/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND TP.Hồ Chí Minh, về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-BTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Để hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo quy định của pháp luật, trước đó, Sở Nội vụ TP.Hồ Chí Minh có văn bản khẩn đề nghị UBND Quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức lưu ý một số nội dung bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 83, Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, chính quyền địa phương tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương của TP Thủ Đức; kể từ ngày 22/1, tất cả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền của TP Thủ Đức thực hiện.

Trung tâm phát triển kinh tế

Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ trở thành khu vực hạt nhân dẫn dắt nền kinh tế của TP.Hồ Chí Minh. Mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của thành phố và vùng Đông Nam Bộ. Thành phố Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Diện tích hơn 22.000 ha, dân số hơn 1,1 triệu. Định hướng phát triển là đô thị sáng tạo, tương tác cao của thành phố. Với các trụ cột có sẵn như: Khu Công nghệ cao quận 9, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Khả năng sẽ đóng góp 1/3 ngân sách cho nền kinh tế của TP.Hồ Chí Minh.

Khu công nghệ cao đóng góp vai trò thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Bên cạnh đó, thành phố Thủ Đức có nhiều thế mạnh vượt trội, đây là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn TP.Hồ Chí Minh: Vị trí địa lý là trung tâm miền Đông Nam Bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển một cách đồng bộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giao thông và tăng cường hợp tác kinh tế với các khu vực lân cận. Ngoài ra, thành phố Thủ Đức có vị trí rất thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics. Điều phối vận chuyển hàng hóa, đa dạng phương thức vận chuyển. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ với sự tham gia từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đóng vai trò thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho thành phố Thủ Đức trong tương lai.

Sau khi sắp xếp và thành lập, thành phố Thủ Đức bao gồm 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, Thảo Điền, An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thủ Thiêm, Thạnh Mỹ Lợi, Hiệp Phú, Long Bình, Long Phước, Long Trường, Long Thạnh Mỹ, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Trường Thạnh, Tân Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú, Trường Thọ.

 Tin: Nguyễn Hải Linh

Theo ngaymoionline.com.vn

Bình luận