Xuân bình yên nơi đất khách quê người
  • Home/
  • Tin tức/
  • Xuân bình yên nơi đất khách quê người
Tin tức

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Nhắc đến Tết là nhắc đến gia đình, Tết đoàn viên. Không thời khắc nào trong năm, ý nghĩa việc đoàn tụ, sum họp quây quần lại khắc khoải như lúc này. Bao giá trị phong tục cổ truyền trỗi dậy mạnh mẽ trong tâm thức mỗi người, gắn kết chúng ta với cội nguồn văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, năm nay nhiều người dân lao động tại TP. HCM ở lại đón năm mới ở Thành phố.

Rộn ràng những ngày đón Tết

Buổi sáng những ngày đầu tháng Chạp, khí hậu mát mẻ, bầu trời nắng nhẹ, tiết trời hanh khô, không khí tưng bừng của cái Tết Nhâm Dần 2022 ngập tràn khắp muôn nơi. Trong tâm thế ngóng chờ cánh én chao lượn khắp nền trời, người người nhà nhà lại tất bật chuẩn bị cành mai vàng, trang hoàng đôi câu đối đỏ, sắm sửa chậu quất (tắc),… sẵn sàng đón năm mới. Bàn thờ tổ tiên lúc nào cũng phảng phất khói hương nghi ngút, trưng bày đủ cả ngũ quả tượng trưng cho mong ước phú, quý, thọ, khang, ninh.
 

 Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Mâm ngũ quả, chậu mai vàng, câu đối đỏ những biểu tượng của ngày Tết cổ truyền dân tộc

Theo tài liệu “Hội hè Lễ Tết người Việt” của giáo sư Nguyễn Văn Huyên, công trình nghiên cứu những sự kiện trọng thể của dân tộc từng định nghĩa Tết Nguyên Đán như sau, “Tết vừa theo sự vận hành của cả mặt trời lẫn mặt trăng. Nó mở đầu vào mùa Xuân và, như vậy, bao giờ cũng rơi vào giữa hạ tuần tháng Giêng Dương lịch và trung tuần tháng Hai Dương lịch.” - tức từ thời điểm 23 tháng Chạp đến hết tuần đầu tiên của năm mới (tính theo lịch Âm). Bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít ý kiến trái chiều cho rằng Tết chỉ kéo dài trong ba ngày, là dịp mọi người thăm hỏi người thân, gia đình, bạn bè ứng với cách nói “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Bởi lẽ “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua” phải ngắn ngủi, hối hả người ta mới biết trân trọng giây phút quây quần, sum họp quý giá. Dù kéo dài vài tuần hay gói gọn vỏn vẹn ba ngày, không khí tưng bừng và âm hưởng háo hức mà nó mang lại chắc chắn xuất hiện từ trước 23 tháng Chạp, dịp tiễn đưa ông Táo về trời. 

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Tâm thế đón Tết Nguyên Đán đã xuất hiện từ những ngày đầu tiên của tháng Chạp

Đặc biệt, mỗi khi mùa Xuân gõ cửa, không nơi nào rộn ràng không khí năm mới bằng chợ Tết truyền thống, điển hình như chợ Bình Tây (Chợ Lớn). Ngày thường chợ đã tấp nập với vô số khách khứa vãng lai, vào thời điểm người người “chạy đua” mua sắm, các gian hàng hoa quả, bánh mứt, đồ dùng trang trí càng trở nên bắt mắt, sặc sỡ.

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Các cửa hàng đồ dùng Tết tại khu vực chợ Tân Định, Quận 5

Xuân bình yên nơi đất khách quê người

Những chậu tắc được trang trí sặc sở phục vụ nhu cầu trung bày Tết

Những tâm hồn xa xứ

Tôi nhớ cái Tết xưa, khi lần đầu được mẹ dắt tay vào chợ, mua sắm quà cho ông bà ở quê, bản thân không biết đã bao lần tròn xoe mắt trước những chiếc lồng đèn, cây cảnh, phụ kiện trang trí nhiều màu, cùng tiếng rao huyên náo của những tay chào hàng duyên dáng. Đó có thể là dân Sài Gòn đích thực, cũng có khi là người cố bám đất mưu sinh vào thời điểm phồn thịnh nhất trong năm. Nhưng thời khắc cuối cùng của đêm Giao Thừa, bao con chợ tấp nập, huyên náo sẽ tắt lịm như ngọn đèn không tỏ. Mọi tảo tần, vất vả trước mối lo cơm áo gạo tiền cũng dần nguôi ngoai, người ta lại quay về bên gia đình, ưu tiên niềm vui cho những điều thiêng liêng, hồ hởi. Mảnh đất vừa cổ kính, vừa hiện đại với hơn 300 năm lịch sử lại thu mình trong không khí yên ắng, thanh bình.

Tuy nhiên, tình hình Covid-19 trong năm vừa qua khiến cuộc sống người lao động, đặc biệt là dân tha phương gặp nhiều khó khăn. Dù năm mới đến gần, họ vẫn ngậm ngùi ở lại thành phố, giữ an toàn cho bản thân, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cô Nguyễn Ngọc Mỵ, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Bạch Mã, chợ Bắc Hải, quận 10 chia sẻ, “Ai về Kiên Giang thì về, năm nay cả nhà tôi đều ở lại thành phố. Chính phủ không bắt ép nhưng đã có khuyến khích, động viên người dân. Dẫu sao bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân, gia đình vẫn là trên hết. Năm nay không về thì năm sau, ai ở đâu nên ở yên đó. Thành phố mình chỉ vừa trở lại vùng xanh, cửa hàng tôi mới bán được vài tháng, nếu chẳng may bùng dịch nữa, một hai chuyến đi thật sự không đáng.” 

Có chung niềm trăn trở ấy, cô Huỳnh Thị Kim Liên, người buôn bán vỉa hè tại chợ Nghĩa Hòa, quận Tân Bình cho biết, “Tết năm nay gia đình không dám về quê. Tiền Giang quê chị dịch bệnh dữ quá. Con cái năn nỉ hoài mà vợ chồng đâu dám cho. Cả năm không về, xuống dưới có ông bà, cô chú, anh chị em vui thì vui thật nhưng chỉ sợ lây bệnh cho mấy đứa nhỏ. Với lại năm qua làm ăn ế ẩm, không tiền bạc dành dụm gì tất, về quê cũng chưa biết mừng tuổi cha mẹ thế nào.”

Những chậu tắc bằng voan được trang trí sặc sở phục vụ nhu cầu trung bày Tết

Cô Liên bên xe bánh mì mưu sinh những ngày cận Tết Nguyên Đán

Anh Lâm Nhật Huy, sinh viên Trường Đại học Sư Phạm TP. HCM, quê Sóc Trăng hiện đang sinh sống gần chợ Nam Hòa, quận Tân Bình cũng chia sẻ. “Em không về quê từ giữa năm 2020, lúc đó nghĩ dịch kéo dài nhưng không ngờ lại lâu đến vậy. Gần đây, dẫu Covid-19 đã lắng xuống nhưng đành lỡ hẹn quê hương thêm đợt nữa. Tết ở lại thành phố buồn thật, mà vẫn còn bạn bè, người quen nên cũng đỡ. Vẫn biết ở đâu có gia đình thì ở đó có quê nhà, ở đâu có quê nhà là có Tết nhưng miễn người thân mạnh khỏe, ăn Tết ở đây hay ở kia không quan trọng.”

Cô Liên bên xe bánh mì mưu sinh những ngày cận Tết Nguyên Đán

Huy đã không về quê từ năm 2020 vì dịch Covid-19

Tết năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh không dành riêng cho người Sài Gòn, đôi tay dung dưỡng đã rộng hơn, ôm lấy những mảnh đời tha phương từ khắp mọi miền Tổ quốc. Khung cảnh chợ Tết cũng thêm phần vui nhộn, nhịp cầu mua sắm người dân thị thành càng tấp nập tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Huỳnh Kha

Theo langngeviet.com.vn

 

Bình luận