60 năm giữ lửa nghề may trang phục dân tộc
  • Home/
  • Tin tức/
  • 60 năm giữ lửa nghề may trang phục dân tộc
Tin tức

60 năm giữ lửa nghề may trang phục dân tộc

Về thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, hỏi thăm bà Triệu Thị Hoà, dân tộc Dao Thanh Phán, ai cũng biết. Ở tuổi 78, dẫu sức khỏe đã kém đi, nhưng ngày ngày bà Hoà vẫn miệt mài từng đường kim, mũi chỉ để may trang phục giữ gìn nét văn hoá của dân tộc mình...

Theo phong tục, con gái người Dao Thanh Phán trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa, từ những công đoạn giản đơn đến phức tạp.

Bà Triệu Thị Hoà, tâm sự: “Từ nhỏ, tôi luôn được mẹ căn dặn là con gái Dao Thanh Phán phải biết thêu thùa. 10 tuổi tôi đã tự tay thêu trang phục cho mình và các thành viên trong gia đình. Nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nghề thêu truyền thống, tôi thường xuyên vận động chị em trong thôn học nghề thêu. Ban đầu nhiều chị em chưa mặn mà, nhưng qua thời gian học và hiểu giá trị của việc gìn giữ nghề truyền thống, đã tích cực tham gia truyền nghề cho những người chưa biết”.

Trang phục của đồng bào Dao lấy chàm đen làm tông màu chủ đạo, sử dụng các loại chỉ trắng, xanh, đỏ, hồng, vàng tạo thành họa tiết. Nét độc đáo của trang phục đó là những chiếc khăn quấn được thêu họa tiết sặc sỡ tạo điểm nhấn. Kèm theo bộ váy áo là khăn đội đầu; xà cạp; viền áo được đính các hạt cườm nhỏ màu trắng, đỏ xen kẽ... Công việc thêu hoa văn đòi hỏi sự chăm chỉ, cần mẫn, khéo léo của người phụ nữ.

Bà Triệu Thị Hoà đang giới thiệu về trang phục may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Bà Triệu Thị Hoà đang giới thiệu về trang phục may trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Đồng bào Dao Thanh Phán quan niệm giá trị di sản không nằm ở chất liệu hay kim loại quý mà đó là tài sản được trao truyền, mang nhiều câu chuyện, nhiều lớp người sử dụng và niềm tin trao gửi trong đó. Do vậy, mỗi người già trong từng gia đình luôn nhắc nhở các thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ phải bảo tồn, lưu giữ bản sắc của dân tộc. Đó cũng là lí do, dù ở đâu, làm gì bà con luôn ý thức việc giữ gìn bản sắc truyền thống là rất quan trọng.

Cũng theo lời bà Hoà, người già dạy cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người chưa biết. Vì vậy, hiện nay phụ nữ trẻ người Dao đã tích cực hơn trong việc học thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhiều chị em mặc dù mới học nhưng cũng muốn tự tay làm cho mình bộ trang phục của dân tộc thật đẹp để mặc vào các dịp lễ, hội...

Để làm một bộ trang phục của nữ giới người Dao, phải làm mất mấy tháng hoặc cả năm. Trang phục của người Dao phần lớn dùng vải bông và vải chàm, thêu hoa văn từng phần, sau đó cắt may ghép lại thành bộ. Các nét hoa văn rất sặc sỡ với nhiều họa tiết phong phú như hình cỏ cây, hoa lá, chim chóc hay bất cứ vật dụng nào người dân cảm thấy gần gũi trong sinh hoạt. Một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán làm kì công, tinh tế, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Bàn Sinh Hương, Chủ tịch Hội NCT xã Kỳ Thượng cho biết: “Bà Triệu Thị Hoà là một hội viên NCT gương mẫu. Những năm qua, bà không những là tấm gương sáng tham gia các hoạt động của Hội mà còn là NCT nhất trong xã gìn giữ được nghề may trang phục truyền thống. Những đóng góp của bà nhằm phát triển, gìn giữ bản sắc văn hoá của dân tộc Dao”.

Ở tuổi 78, bà Hoà đã có 57 năm theo nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Bà Hoà còn chỉ dạy cho cô con dâu trưởng biết và phụ với bà trong việc may. Bên cạnh đó, bà còn tập hợp các hội viên NCT trong thôn để truyền dạy nghề thêu trang phục truyền thống cho lớp thế hệ trẻ trong thôn, trong xã.

Bài và ảnh Long Vũ
Theo ngaymoionline.com.vn
https://ngaymoionline.com.vn/60-nam-giu-lua-nghe-may-trang-phuc-dan-toc-45452.html

Bình luận