Biến rơm thành vàng ngay trên những cánh đồng
  • Home/
  • Tin tức/
  • Biến rơm thành vàng ngay trên những cánh đồng
Tin tức

Biến rơm thành vàng ngay trên những cánh đồng

Hiện nay, sau mỗi vụ thu hoạch, thay vì thu gom rơm rạ và đốt trên đồng ruộng, ven trục đường nội đồng như những năm trước, nông dân ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) mang ủ thành phân bón hữu cơ. Người dân Đặng Xá gọi đó là những “cọng rơm vàng” cải tạo đồng đất, bảo vệ môi trường…
Tận dụng triệt để
Thăm cánh đồng lúa trĩu bông đang chuyển dần sang vàng óng, đợi ngày thu hoạch, bà Nguyễn Thị Vân ở thôn Kim Âu (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) vui mừng chia sẻ: “Những ruộng lúa mùa này được bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ ủ từ rơm rạ của vụ xuân trước. Đây là năm thứ 3 nông dân Kim Âu bón phân hữu cơ ủ từ phế phụ nông nghiệp (rơm rạ, gốc thân cây, rau màu bỏ lại…) nên môi trường quê tôi không còn cảnh đốt rơm rạ mù mịt; hơn nữa, lúa lên xanh tốt, chắc chắn vụ này sẽ được mùa. Rơm rạ ở quê tôi được gọi là “cọng rơm vàng” đấy vì nó có rất nhiều lợi ích...”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Xá Đỗ Thị Ngọc Hà, trước đây sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ vứt bừa bãi dọc các tuyến đường nội đồng hoặc trên ruộng. Sau đó, nông dân chất đống để đốt, vừa cản trở giao thông vừa gây ô nhiễm môi trường... Từ thực trạng này, Hội Nông dân xã Đặng Xá quyết tâm thực hiện mô hình “Cọng rơm vàng” với việc thu gom rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, sau đó ủ thành phân hữu cơ để bón cho lúa, rau màu... Triển khai từ năm 2017 đến nay, mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn xã.
Để có thành công này, ban đầu xã phải vượt qua nhiều rào cản bởi việc thay đổi thói quen của nông dân không dễ dàng; nhiều người chưa nhận thức rõ việc đốt rơm rạ gây hệ lụy về môi trường, sức khỏe, an toàn giao thông… Sau khi được cán bộ khuyến nông huyện, xã kiên trì giải thích tác hại từ việc đốt, vứt rơm rạ bừa bãi; đồng thời vận động nông dân tận dụng rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp để ủ thành phân hữu cơ, một số hộ nông dân đã mạnh dạn tham gia. Thấy hiệu quả, đến nay, 60% số nông hộ trên địa bàn xã lựa chọn phương pháp này…
 

Rơm rạ được nông dân xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), thu gom ủ thành phân hữu cơ. Ảnh: Đào Huyền
Về cách làm, theo Trưởng trạm Khuyến nông huyện Gia Lâm Đỗ Thị Phương, quy trình ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ được thực hiện thông qua các bước: Rơm rạ tươi sau thu hoạch được chất đống với chiều rộng 2m, mỗi lớp 30cm rơm thì tưới một lượt dung dịch chế phẩm Fito-Biomix RR hoặc NPK. Tiếp đó, tiến hành ủ rơm rạ bằng cách sử dụng nylon, bạt, tải rách, bùn phủ kín với nhiệt độ bảo đảm luôn ở mức 45-50 độ C. Sau 25-30 ngày, rơm rạ phân hủy thành phân hữu cơ, có thể sử dụng ngay cho vụ kế tiếp hoặc bảo quản để sử dụng cho vụ sau.
Mô hình hay vì môi trường
Là hộ trực tiếp thực hiện phương pháp này, bà Hoàng Thị Công (ở thôn Kim Âu) cho biết: “Phương pháp ủ rơm rạ thành phân hữu cơ tuy mất nhiều thời gian và phải kiểm tra tỉ mỉ, song tiết kiệm chi phí bởi giảm được lượng phân hóa học trong canh tác. Đặc biệt, cách này giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và giảm ô nhiễm môi trường, nên gia đình tôi sẽ áp dụng liên tục”.
Từ hiệu quả của mô hình “Cọng rơm vàng” ở Đặng Xá, tiến sĩ Lê Văn Tri - Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam đánh giá thêm: Sau mỗi vụ thu hoạch, mỗi hécta lúa có khoảng 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 5,5 triệu đồng. Nếu lượng rơm rạ ấy được xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ bón cho lúa, ngô, rau màu… Theo đó, giảm được lượng phân hóa học 20-30%, năng suất cây trồng tăng 10-15%, tiết kiệm chi phí sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế cho nông dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Đặng Xá Đoàn Văn Bắc, hiện Đặng Xá có 40ha trồng lúa, trong đó gần 60% hộ trồng lúa triển khai mô hình này. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sinh học vào xử lý phế thải từ nông nghiệp đang góp phần bảo đảm nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Mặc dù lượng phân hữu cơ ủ từ rơm rạ chưa đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, song phần nào giúp nông dân thay đổi thói quen, nhận thức sự cần thiết của sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường, sức khỏe con người... “Thời gian tới, xã Đặng Xá tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nhân rộng mô hình “Cọng rơm vàng” trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời, bảo vệ môi trường và thuận lợi hơn cho quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn...” - ông Bắc khẳng định.
Đỗ Minh | Theo Dân Việt
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận