Cách phòng ngừa virus corona đối với người cao tuổi
  • Home/
  • Tin tức/
  • Cách phòng ngừa virus corona đối với người cao tuổi
Tin tức

Cách phòng ngừa virus corona đối với người cao tuổi

Theo cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam đến 6 giờ ngày 4/2, tổng số ca nhiễm virus corona trên thế giới là 19.843 trường hợp và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh. Việt Nam có 8 trường hợp nhiễm bệnh, 2 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện. Những thông tin trên khiến nhiều người lo lắng, nhất là với những trường hợp có sức để kháng kém như người già.

Tạo môi trường sống thông thoáng

Đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh, sáng 31/1, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Phó Chủ nhiệm bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, virus corona phát tán từ người bệnh ra môi trường khi ho, hắt hơi. Khi thời tiết lạnh thì các loại vi rút thường tồn tại lâu hơn ngoài môi trường, tạo điều kiện cho bệnh lây lan. Các điều kiện tự nhiên như thời tiết, nhiệt độ không thể thay đổi được, vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng lây nhiễm qua đường hô hấp, đó là tránh tụ họp nơi đông người, đeo khẩu trang và vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên để hạn chế sự lây lan của bệnh.

Các chuyên gia khuyên người già không nên tham gia các lễ hội đông người.

Trường hợp sốt và đau họng thông thường có thể khám ngay tại y tế cơ sở. Với những người có tiếp xúc với 9 bệnh nhân đã được xác định tại Việt Nam hoặc những người đi từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về cần báo ngay cho cơ quan y tế có trách nhiệm phòng, chống bệnh do virus corona. Còn ngay tại gia đình, nếu có người ốm, sốt, cần cách ly, tránh lây lan cho người khác.

Theo các chuyên gia, thời tiết lạnh hoặc ẩm là môi trường thích hợp cho các loại virus phát triển và tấn công gây bệnh. Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất chính là người cao tuổi do sức đề kháng kém hơn. Khi trời nắng ấm, nhiệt độ trên 20-25 độ C thì vi khuẩn và vi rút sẽ kém phát triển, ít lây lan. Do đó, mỗi người có thể dự phòng bằng cách tạo môi trường sống trong nhà và môi trường làm việc được thông thoáng, ấm áp, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, lưu cữu không khí, tránh đồ đạc bị ẩm mốc dễ gây bệnh.

Bên cạnh đó, các vị thuốc dân gian cũng rất tốt cho người già để phòng tránh virus corona. Toi là một trong những vị thuốc có khả năng tăng cường sức đề kháng. Do đó việc ăn tỏi sống hoặc uống nước ép tỏi cũng là một trong những biện pháp có thể áp dụng.

Người cao tuổi không nên đi lễ hội, đến chỗ đông người

Theo các chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, khi bệnh xâm nhập, người cao tuổi dễ bị nặng hơn. Nguyên nhân là họ thường có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn, khớp, loãng xương.... Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.

Nguyên nhân khiến người già dễ mắc virus corona là vi họ thường có bệnh nền mạn tính.

Các nhà khoa khoa học trên thế giới cũng khuyến cáo, người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người. Người tăng huyết áp và đái tháo đường dễ có nguy cơ cao mắc các biến chứng viêm nhiễm, như nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn tiết niệu... Ngoài việc duy trì điều trị thường quy, người cao tuổi nên tránh xa các nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, lưu ý người cao tuổi thường khó uống nước, nhất là khi thời tiết lạnh vì không có cảm giác khát và ngại đi vệ sinh. Vì vậy, trong mỗi gia đình nên chủ động đặt nước ấm hoặc trà ấm tại các vị trí thuận lợi và thường xuyên nhắc người cao tuổi uống nước định kỳ ngay cả khi không khát. Mỗi lần nên uống từ 50-100ml. Có thể uống nước lọc, nước trà, nước hoa quả để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng vừa giúp loại bỏ được các loại vi khuẩn, vi rút từ tay lây qua đường hô hấp, vừa dễ thực hiện, không gây tốn kém mà hiệu quả cao.

Bác sĩ Trần Mạnh Bắc, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa trung ương lưu ý thêm, nếu người già nằm viện thì người thân quen cũng hạn chế đến thăm, để tránh mang theo vi rút lây bệnh.

“Chúng tôi rất vất vả giải thích với những gia đình khi một người thân nhập viện thì rất nhiều người đến thăm, dù bệnh nhân đang nằm ở phòng cấp cứu. Điều dưỡng nhắc nhở cũng không được. Người khỏe mang mầm bệnh thì không chắc đã mắc bệnh, chỉ khổ người bệnh đã ốm lại bệnh thêm”, bác sĩ Trần Mạnh Bắc nhấn mạnh.

Theo Ngaymoionline.com.vn

Bình luận