Cần xem xét lại nguồn gốc đất hợp pháp của gia đình người cao tuổi
  • Home/
  • Tin tức/
  • Cần xem xét lại nguồn gốc đất hợp pháp của gia đình người cao tuổi
Tin tức

Cần xem xét lại nguồn gốc đất hợp pháp của gia đình người cao tuổi

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, sinh năm 1951, hội viên Hội NCT, trú tại số 2, ngách 176/1, đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội phản ánh việc đất do bố mẹ đẻ của bà để lại bị huyện Gia Lâm thu hồi “trắng” để giao cho các hộ khác xây nhà ở tại hồ Ba Góc, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm,…
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Minh Hồng, phần đất đang bị tranh chấp của gia đình bà có diện tích 1 sào 10 thước, do cụ Nguyễn Văn Thành và vợ là cụ Vũ Thị Gái (bố mẹ bà Hồng, cả hai đã mất) mua của cụ Đỗ Văn Mỗ và cụ Hồ Thị Yến, với trị giá 32.000 đồng, theo giấy Văn tự bán ruộng được lập ngày 5/6/1958, có xác nhận của Uỷ ban Hành chính xã Tiền Phong, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cũ), nay là xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Thửa đất có 3 mặt tiếp giáp hồ nước, 1 mặt tiếp giáp ruộng. Sau khi mua xong, bố mẹ bà Hồng sử dụng làm xưởng da trâu bò và kết hợp để ở. Gia đình sử dụng liên tục thửa đất trên cho đến năm 1968, do máy bay Mỹ bắn phá làm sập nhà, gia đình phải chuyển lên ở tạm trên bờ đê cách đó không xa. Khoảng 2 năm sau, khi gia đình quay lại thì hiện trạng đất bị ngập nước không sử dụng được. Sau khi chính quyền xây cống, làm đường, khu đất đã được rút nước khô ráo, gia đình quay về dựng lại nhà để ở và làm ăn sinh sống (vào năm 1991) thì chính quyền xã Yên Viên nhất định không cho làm.
Năm 1992, gia đình ông Thành, bà Gái làm thủ tục kê khai để xin được hợp thức hoá thửa đất (đơn có xác nhận của cán bộ địa chính và UBND thị trấn Yên Viên), nhưng không được UBND huyện Gia Lâm chấp nhận mà hướng dẫn về UBND xã Yên Viên thực hiện việc kê khai. Khi gia đình liên hệ làm việc với UBND xã Yên Viên thì chính quyền địa phương không chấp nhận cho kê khai, vì cho rằng thửa đất nhà bà “không có đủ cơ sở pháp lí công nhận quyền sử dụng đất”.

Khu đất ruộng của gia đình bà Hồng đang tranh chấp tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm (hình ảnh do người dân cung cấp)

Từ đó, liên tục nhiều năm liền, gia đình bà Hồng làm đơn gửi các cấp có thẩm quyền yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp, nhưng vẫn không được cấp nào giải quyết thấu tình đạt lí.
Ngày 5/4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội ban hành Phiếu hướng dẫn đơn số: 2280/PHD-STNMT-TTr gửi cho bà Hồng, có nội dung thông báo: “Khu đất bà Nguyễn Thị Minh Hồng có đơn yêu cầu trả lại quyền sử dụng đất tại khu hồ Ba Góc, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm đã được UBND huyện Gia Lâm cấp cho 23 hộ dân làm nhà theo Quyết định 264, ngày 16/10/1991. Đến nay, các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hộ đã chuyển nhượng cho người khác sử dụng”. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội hướng dẫn gia đình làm đơn khởi kiện tại TAND theo quy định tại Khoản 1, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013: “Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền trên đất thì do TAND giải quyết”.
Sau khi nhận được đơn khởi kiện của bà Hồng, TAND TP Hà Nội đã thụ lí vụ án hành chính sơ thẩm thụ lí số: 09/2022/TLST-HC ngày 10/1/2022. Nhưng đến ngày 16/9/2022, TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định số: 191/2022/QĐST-HC, đình chỉ vụ án vì quá thời hiệu khởi kiện, theo Điều 116, Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Hiện bà Hồng có đơn khiếu nại, đề nghị TAND Tối cao xem xét huỷ quyết định trên của TAND TP Hà Nội.
Trong vụ việc này, “mấu chốt” quan trọng là gia đình cụ Gái, cụ Thành cũng như người được uỷ quyền sau này bà Hồng mua bằng thật 1 sào 10 thước đất ruộng, với giá 32.000 đồng của vợ chồng cụ Mỗ, cụ Yến từ năm 1958, sử dụng để ở và làm việc liên tục từ khi mua. Đến năm 1968, gặp hoàn cảnh bất khả kháng, do chiến tranh Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, ngập úng thiên tai, gia đình bà Gái không thể tiếp tục quản lí, sử dụng tiếp thửa đất này được. Đến khi thửa đất có thể sử dụng được thì chính quyền địa phương lại không công nhận.
Toàn bộ sự việc nói trên đã được hàng chục người dân ở đây xác nhận bằng văn bản, có sự chứng thực của chính quyền địa phương nơi ở của gia đình bà Gái, ông Thành. Tuy nhiên, những chứng cứ, lí lẽ này đang bị các cấp chính quyền TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan không giải quyết, mà còn cho rằng gia đình bà Hồng không xuất trình các giấy tờ chứng minh quyền quản lí và sử dụng đất quy định của pháp luật. Văn tự mua bán ruộng ngày 5/6/1958 có công chứng của Phòng Công chứng tỉnh Hà Bắc. Trong suốt thời gian từ khi thửa đất bị chính quyền địa phương ngăn cản, không cho sử dụng, cấp cho người khác như đã nêu trên, gia đình bà Hồng liên tục gửi đơn đến các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, lại không được cấp nào xem xét một cách thấu tình đạt lí.
Tạp chí Người cao tuổi chuyển nội dung phản ánh của bà Hồng đến TAND Tối cao, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét vụ việc, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, hội viên Hội Người cao tuổi.
Nhóm PVPL
 

Theo ngaymoionline.com.vn

https://ngaymoionline.com.vn/can-xem-xet-lai-nguon-goc-dat-hop-phap-cua-gia-dinh-nguoi-cao-tuoi-40013.html

 

Bình luận