Sau vụ Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?
  • Home/
  • Tin tức/
  • Sau vụ Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?
Tin tức

Sau vụ Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?

Theo chuyên gia, động thái hạ lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mang đến nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các ngân hàng trung ương ở Châu Á - Thái Bình Dương. Trước bối cảnh đó, các nhà hoạch định nên có chính sách tiếp cận cân bằng, cụ thể theo từng quốc gia để điều hướng áp lực lạm phát tiềm ẩn, biến động tỷ giá hối đoái và động lực dòng vốn chảy vào.

Đó là nhận định được trích từ một báo cáo gần đây của chuyên gia kinh tế Matteo Lanzafame thuộc Vụ Nghiên cứu kinh tế và tác động phát triển của Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank, viết tắt: ADB). Theo đó, đại diện ADB cho rằng, động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System, viết tắt: Fed) có thể gây ra hậu quả đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á và Thái Bình Dương.

Như TAP News từng thông tin, trước đó vào ngày 18/9 (giờ Hoa Kỳ), Fed đã khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ với quyết định cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản. Các thành viên ủy ban dự kiến sẽ cắt giảm thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) xuống phạm vi 4,75% - 5,00%. Đồng thời, Ủy ban thị trường mở liên bang (Federal Open Market Committee) thuộc Fed dự kiến sẽ tiếp tục có các đợt hạ lãi suất trong thời gian tới.

Sau vụ Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?

Báo cáo của chuyên gia kinh tế Matteo Lanzafame về mối tương quan giữa việc Fed cắt giảm lãi suất và thị trường tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương (Nguồn: Asian Development Bank)

Fed hạ lãi suất, thị trường tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương ảnh hưởng ra sao?

Trong quá trình định hình lập trường chính sách tiền tệ, ông Matteo Lanzafame cho rằng, các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế mới nổi, bao gồm Châu Á và Thái Bình Dương, cần tính đến chênh lệch lãi suất, dòng vốn và tỷ giá hối đoái (chuyển đổi tiền tệ) với Hoa Kỳ - quốc gia sở hữu USD, dòng tiền tệ có ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư toàn cầu. Nhìn nhận một cách tổng thể, động thái cắt giảm lãi suất của Fed mở ra cơ hội cho nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực nới lỏng chính sách hơn để kích thích nhu cầu và tăng trưởng trong nước mà không gây ra dòng vốn chảy ra và tỷ giá hối đoái mất giá, chuyên gia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, do thời gian và chu kỳ nới lỏng của Fed vẫn chưa chắc chắn, phản ứng chính sách phù hợp ở Châu Á và Thái Bình Dương cần đòi hỏi sự thận trọng và cân bằng cẩn thận. Đại diện ngân hàng ADB cảnh báo, việc hưởng ứng cắt giảm lãi suất sau động thái của Fed tuy giúp hỗ trợ tăng trưởng, nhưng cũng đồng thời làm hồi sinh áp lực giá cả và khuyến khích vay mượn quá mức ở các nền kinh tế mới - nơi mức nợ hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đã cao. Theo đó, cách thức phù hợp nhất nên được các ngân hàng xem xét là cắt giảm lãi suất chậm hơn và/hoặc ít hơn so với lãi suất của Fed.

Lãi suất thấp hơn ở Hoa Kỳ có thể làm tăng dòng vốn chảy vào Châu Á và Thái Bình Dương khi nhà đầu tư điều chỉnh danh mục đầu tư theo hướng tài sản có lợi. Điều này thúc đẩy thị trường cổ phiếu và trái phiếu trên toàn khu vực, tạo ra không gian lành mạnh cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào cũng gây ra một số thách thức đáng kể làm tăng biến động của thị trường tài chính.

Dòng vốn chảy vào cao hơn có thể dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng so với đồng USD trong khu vực. Điều này có lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ cũng như các mặt hàng nhập khẩu khác. Qua đó, làm giảm áp lực giá cả và cải thiện cán cân thương mại. Đối với các nền kinh tế có nợ USD cao, việc tiền tệ Hoa Kỳ mất giá sẽ giúp duy trì gánh nặng nợ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái tăng sẽ thúc đẩy nhập khẩu. Trong trung hạn, tiền tệ mạnh hơn cũng cản trở tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sản xuất truyền thống, chẳng hạn như may mặc hoặc hàng dệt may, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh về giá.

Ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?

Sau vụ Fed hạ lãi suất, ngân hàng trung ương ở châu Á - Thái Bình Dương nên làm gì?

Các nhà hoạch định chính sách cần có cách tiếp cận linh hoạt, tận dụng các cơ hội và giải quyết rủi ro từ động thái hạ lãi suất của Fed (Nguồn: pexels)

Cũng theo ông Matteo Lanzafame, ngoài điều chỉnh lãi suất, các cơ quan tiền tệ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể cân bằng giữa việc điều chỉnh lãi suất và sử dụng các biện pháp kiểm soát khác. Điển hình như yêu cầu dự trữ nguồn tiền tệ nhằm tác động đến điều kiện tài chính và thanh khoản (mức độ linh hoạt của một tài sản bất kỳ).

Ngân hàng trung ương các nước nên hoạch định chính sách rõ ràng giúp kiểm soát kỳ vọng lạm phát và giảm biến động. Đối với các nền kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc phát triển thị trường tài chính là tiến trình quan trọng để chuyển hóa vốn thành đầu tư hiệu quả. Các chính sách này cần tập trung vào tăng cường khả năng cạnh tranh và minh bạch, đồng thời quản lý rủi ro từ dòng vốn ngoại tệ chảy vào.

Bằng cách thúc đẩy chi tiêu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chính sách tài khóa (cơ chế thông qua thuế và đầu tư công để tác động tới nền kinh tế) cũng có thể được áp dụng nhằm hỗ trợ khi xuất khẩu giảm.

Sự nới lỏng tiền tệ từ Fed mang đến cả cơ hội và thách thức không chỉ ở Hoa Kỳ mà cả thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lãi suất thấp hơn và đồng đô la yếu cũng kèm theo rủi ro như biến động tỷ giá và áp lực lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt và chủ động để khai thác cơ hội và xử lý rủi ro.

Kane Nguyen

 

Bình luận