Trong những năm tháng làm nhiệm vụ viết sử ở Quân chủng Phòng không - Không quân, tôi nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng có hai lần để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc…

Năm 1991, Quân chủng Phòng không xuất bản tập 1 trong bộ sách lịch sử gồm ba tập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết lời giới thiệu cho bộ sách. Trung tướng Trần Nhẫn, Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho tôi: “Hôm trước, họp Quốc hội gặp Đại tướng, tôi đã thay mặt Bộ Tư lệnh cảm ơn rồi. Bây giờ đồng chí chuẩn bị sách, tặng phẩm và liên hệ với Văn phòng của Đại tướng hẹn thời gian lên biếu sách. Tốt nhất là vào đúng sinh nhật Đại tướng (ngày 25/8/1991)”.

Đại Tướng Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Đinh Khôi Sỹ và Trần Thành hai cán bộ viết sử của Quân chủng Phòng không xem bức tranh đá

Sách đã chuẩn bị xong, đóng bìa cứng, bọc vải đỏ, chữ ngoài bìa phủ nhũ vàng, còn tặng phẩm tặng Đại tướng là một bức tranh đá. Để có bức tranh đá này, Ban Lịch sử chúng tôi chọn bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 tại Sở Chỉ huy Quân chủng ngày 24/11/1972. Bức ảnh được phóng cỡ 30 x 40cm rồi gửi xuống Xưởng Sửa chữa tên lửa. Ở đó có một thợ khắc đá rất giỏi, sẽ chuyển từ ảnh sang đá đen. Bức tranh rõ nét và đẹp, nhưng khá nặng có lẽ phải trên 3kg, đặt trên giá đỡ màu trắng phớt hồng.

Đúng hẹn, chúng tôi có mặt ở 30 Hoàng Diệu. Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Bí thư của Đại tướng nói: “Hôm nay Đại tướng có thể tiếp các đồng chí lâu hơn. Hôm trước đúng sinh nhật, các đoàn đến chúc mừng quá đông, mỗi người chỉ được bắt tay rồi về”. Đồng chí Trần Thành chỉ cho tôi một bức tranh đá to bằng khổ sách 13 x 19cm, khắc bức điện cơ yếu mà Đại tướng chỉ đạo cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Đây là tặng phẩm của Cục Cơ yếu - Bộ Tổng tham mưu tặng Đại tướng. Tôi thầm phục đơn vị bạn. Họ rất nhanh nhạy, tranh bằng đá giữ được lâu bền và nội dung khắc trên tranh thì thật độc đáo. Họ đã chọn đúng nội dung chỉ đạo sắc sảo và tài tình của Đại tướng đối với các cánh quân đang tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tôi nói với anh Thành: “Tranh của mình khá nặng, khi trao cho Đại tướng trọng lượng phải dồn về bên anh, còn tay đỡ của Đại tướng chỉ tượng trưng thôi đấy”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao ban thảo nhận xét về Trung đoàn 280 cho đồng chí Đinh Khôi Sỹ

Khi Đại tướng từ phòng bên bước ra, chúng tôi đứng dậy chào. Đại tướng ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Đồng chí Thành nói: “Báo cáo Đại tướng! Bộ Tư lệnh Quân chủng ủy nhiệm chúng tôi lên biếu sách cảm ơn Đại tướng và kính tặng Đại tướng một bức tranh làm kỉ niệm!”.

Đại tướng đón bức tranh và nói khẽ: “Chà, nặng quá!”. Đồng chí Trần Thành mang bức tranh đặt lên bàn. Đại tướng khen đẹp và nói: “Tôi gửi lời cảm ơn Bộ Tư lệnh Quân chủng và các đồng chí đã khắc bức tranh này”. Sau đó Đại tướng hỏi: “Các đồng chí dự định viết mấy tập nữa?”. Tôi trả lời: “Thưa Đại tướng! Bộ sử gồm ba tập. Sau khi rút kinh nghiệm tập một, chúng tôi sẽ triển khai viết tập hai”.

Đại tướng dặn: “Khi viết các đồng chí đừng thiên về ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng quá nhiều mà phải làm sao cắt nghĩa được chúng ta chiến thắng không quân Mỹ vì có một nền nghệ thuật quân sự bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc của tổ tiên, được phát huy và sáng tạo trong thời đại Hồ Chí Minh!”.

Chúng tôi chú ý lắng nghe và càng ý thức được công việc đang làm. Cuối cùng Đại tướng dặn, trong lúc biên soạn cần chú trọng hai điểm: Một là: Những kinh nghiệm phối hợp tác chiến giữa phòng không, không quân và các binh chủng khác. Hai là: Kinh nghiệm về công tác chính trị sâu rộng, đi đôi với huấn luyện tốt khoa học kĩ thuật mới có thể phát huy cao độ tinh thần anh dũng và sáng tạo của người chiến sĩ, người chỉ huy, chiến thắng một kẻ thù có trang bị hiện đại hơn.

Chúng tôi ra về trong tâm trạng rất phấn khởi. Năm sau, 1992 chúng tôi in tập 2, đầu năm 1993 hoàn thành tập 3 trong bộ Lịch sử Quân chủng. Sau này các cơ quan nghiên cứu của Quân chủng còn hoàn thành nhiều công trình lịch sử nữa. Những lúc tĩnh tâm suy nghĩ, tôi càng thấm thía nội dung chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết lịch sử các lực lượng Phòng không - Không quân.

Theo Plo.vn