Huyện Mang Thít (Vĩnh Long): “Vương quốc” gạch ngói đỏ miền Tây
  • Home/
  • Tin tức/
  • Huyện Mang Thít (Vĩnh Long): “Vương quốc” gạch ngói đỏ miền Tây
Tin tức

Huyện Mang Thít (Vĩnh Long): “Vương quốc” gạch ngói đỏ miền Tây

Vĩnh Long được biết đến là nơi sản xuất gốm đỏ nổi tiếng ở miền Tây và cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Mang Thít, Vĩnh Long là một trong số ít địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long có nghề nung gạch gốm tồn tại đã được hàng trăm năm nay. Mặc dù nghề nung gạch gốm trong những năm gần đây đang có xu hướng bị mai một, nhưng nhiều lò nung Mang Thít vẫn tồn tại phát triển để lưu giữ nghề truyền thống của địa phương.
Nét đẹp làng nghề 
Dân gian thường hay gọi Vĩnh Long là “vương quốc gạch ngói” xuất phát từ việc cung cấp số lượng lớn cho thị trường, và sản phẩm gạch ngói có màu đỏ đặc trưng tự nhiên. Được biết, nghề nung gạch gốm của Vĩnh Long xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, theo lời nghệ nhân trong làng truyền tai nhau rằng ngoài Mang Thít ra nhiều vùng lân cận như Sa Đéc, Cao Lãnh cũng nghiên cứu và phát triển những sản phảm gạch ngói tương tự, tuy nhiên Mang Thít vẫn vượt trội về mặt chất lượng. Tất cả nhờ vào nguồn đất sét tự nhiên, chất lượng, cùng kỹ thuật nung nấu đặc trưng. 
Đi dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 902 từ phía chân cầu Mỹ Thuận, chúng tôi bắt gặp làng nghề nằm ngay ven sông Cổ Chiên, Mang Thít, kênh Thầy Cai. Ngay từ đầu làng, chúng tôi đã có thể thấy những lò nung đỏ au trên nền xanh đất trời và vườn trái cây tạo nên một bức tranh rất đỗi thân thương. Vào đến làng, không khí tấp nập bao trùm hết nơi đây, những người thợ tay không ngừng đưa ngói vào lò, canh lửa liên tục. 
Trải qua quá trình nghiên cứu và phát triển nghề gạch nung, vào những năm 1980 nhiều chủ lò gạch bắt đầu áp dụng công nghệ hiện đại nung gạch ở nhiệt độ cao (khoảng 1.000 độ C) để tạo ra những sản phẩm có chất lượng hơn. Người dân cho biết thời điểm hưng thịnh nhất vào những năm 1980 có tới 3.000 lò nung, chi phí sản xuất thấp do sử dụng than và trấu là chính nhưng chất lượng đạt hiệu quả tốt, nên gạch ngói nhanh chóng trở thành mặt hàng được ưa chuộng.
 
Từ đó, hầu hết những sản phẩm tại đây đều được vận chuyển bằng ghe mang về xuôi dưới Gò Công (Tiền Giang), Mỹ Tú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), hoặc ngược lên tỉnh Long An, Đồng Tháp, đồng thời xuất khẩu sang một số nước như: Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan. Đặc biệt những sản phẩm gạch ngói đỏ đều được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “Gốm đỏ Vĩnh Long”. 
Tuy nhiên, những năm gần đây do xu hướng thay đổi tiêu dùng của con người chuyển sang sử dụng các nguyên liệu khác trong xây dựng, nên số lượng đặt hàng gạch ngói đã bị giảm bớt đáng kể, nghề nung gạch dần bị mai một, riêng Mang Thít chỉ còn trên 1.000 lò gạch còn tồn tại, trong đó nhiều lò không hoạt động. 
Hướng phát triển mới 
Nhớ về thời kì hưng thịnh, người thợ trầm ngâm bộc bạch rằng ngày nào cũng rực lửa lò, ghe chở hàng, ghe chở nguyên liệu đến và đi đậu kín cả sông Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Thầy Cai. Còn bây giờ, lác đác mới thấy những xuồng ghe xuất hiện theo lịch đặt sẵn với các chủ lò, lâu lâu mới thấy có lửa lại đươc thắp lên làm cho những người thợ cũng thấy xốn xang. Nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề chuyển sang lĩnh vực khác, nhưng vì không lỡ phá bỏ nên trên khu vực vẫn còn tồn tại nhiều lò gạch không hoạt động. 
Những lò nung xưa còn rực lửa, nay đã nguội lạnh, biến vùng đất ven sông Cổ Chiên cũng trở nên bình lặng hơn. Bên cạnh việc thị trường xuất hiện đa dạng mẫu mã, nguyên liệu, vật liệu chi phí tăng cao, sản phẩm giá thành thấp cũng là nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của làng nghề. 
2 năm trở lại đây Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đang cố gắng phát triển làng nghề theo hướng bảo tồn giá trị, biến các lò nung thành địa điểm du lịch, một phần giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời, kết hợp với các tour du lịch làng nghề khác của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang đưa các khách du lịch đến với khu vực làng nghề nung gạch ngói đỏ Mang Thít, nhằm tạo thêm lượng khách tiềm năng. Được biết, dự án vẫn đang trong giai đoạn tiến hành phát triển. 
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì làng nghề nung gạch ngói đỏ Mang Thít, Vĩnh Long, nhưng những lò gốm tại đây vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo, chất lượng. Những người thợ vẫn miệt mài với nghề tạo ra những nét văn hóa mang giá trị tâm hồn Việt, văn hóa phương Đông, tồn tại theo năm tháng. 
Bài và ảnh Hàn Dung
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận