Lá thư của mẹ
  • Home/
  • Tin tức/
  • Lá thư của mẹ
Tin tức

Lá thư của mẹ

Tốt nghiệp đại học vào loại ưu, Thành ở lại Thành phố Hồ Chí Minh công tác cho một công ty liên doanh nước ngoài. Bằng sự nỗ lực và giỏi tiếng Anh, mấy năm sau anh đã được đề bạt làm phó giám đốc công ty. Trong mắt mẹ anh và bà con xóm giềng dưới quê, Thành đã trở thành hình mẫu và niềm tự hào của cả dòng họ.

Ngày nào Thành cũng bận rộn với công việc, thậm chí không còn có thời gian để yêu, và về nhà thăm mẹ. Mẹ anh là người phụ nữ đã đứng tuổi. Lúc sinh anh, mẹ đã ngoại tứ tuần, chính vì có tuổi nên chút nữa thì anh không bao giờ được sống giữa cõi đời này. Thành nghe bà hàng xóm kể: Hôm đó trời đã nhá nhem tối, bà mang tiền đến trả công gặt lúa cho mẹ anh, đến nơi gọi không thấy ai. Vào trong nhà thì thấy mẹ anh nằm ngất xỉu trên chiếc giường, máu me đầy quần, bà vội chạy gọi mọi người đến đưa đi bệnh viện kịp thời nên mới có anh ngày nay.

Thời thơ ấu của Thành là những mặc cảm về lời trêu chọc của bạn bè. Nào anh là đứa trẻ không cha, nào là con hoang. Chính vì thế, mà anh sẵn sàng đánh nhau với bất cứ đứa nào trêu chọc anh. Hậu quả sau đó là cha mẹ của những đứa bị anh đánh đến mách mẹ anh. Nhưng anh không hiểu tại sao, mẹ luôn nhận phần sai về mình mà không bênh vực cho anh nên anh cảm thấy ghét mẹ. Cũng chính vì lẽ đó mà anh sớm ý thức được phải cố gắng học thật giỏi để giải thoát ra khỏi tình trạng đói khổ và sự khinh rẻ của người đời. Vì vậy mà cả làng, anh là người duy nhất thi được vào cấp ba, trước sự ngạc nhiên của hầu hết người trong làng. Lúc anh học cấp 3 thì trường rất xa nhà. Có hôm anh học cả ngày, tới gần nhá nhem tối mới về, đã thấy mẹ ngồi trước cửa đón anh, với li nước mát và chiếc khăn lau mồ hôi cho anh. Từ khi đi học đại học, anh cũng thi thoảng gọi điện về nói chuyện với mẹ nhưng chỉ là những câu hỏi thăm đơn điệu và tẻ nhạt, lần nào cũng thế. Còn mẹ anh thì luôn dặn dò con học tập cho tốt để sau này đỡ khổ.

Minh họa Trần Nhương

Năm thứ nhất học đại học nghỉ hè, anh tranh thủ về thăm mẹ, mẹ anh cũng chuẩn bị cho anh, nào là tép khô, cá khô mà bà bắt được từ những tháng trước không ăn, dành dụm để cho con. Giờ đây anh ra trường lại có công ăn, việc làm được thăng quan tiến chức nên thời gian và sự nghiệp đối với anh vô cùng quan trọng, chính vì thế mà suốt hai năm trời anh không có thời gian về thăm mẹ của mình. Mẹ anh ở quê nhớ con gọi điện cho anh thì lúc nào bà cũng nghe tiếng bên kia trả lời: "Số máy hiện đang bận!". Còn khi anh gọi về cho mẹ, số điện thoại cố định thì mẹ không bắt máy vì đang đi làm ngoài đồng. Lâu dần thành thói quen nên anh ít gọi điện về cho mẹ. Với anh chuyện đi công tác nước ngoài hàng nghìn cây số thì rất đơn giản. Vậy mà khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh về thành phố Nha Trang chưa đến 600 km, về thăm mẹ sao mà xa xôi và khó khăn đến thế. Vì nhớ con nên mẹ anh tuy đã già yếu vẫn quyết định vào thành phố thăm con, theo địa chỉ anh ghi cho bà.

Sau mấy lần lên xe, xuống xe vất vả bà mới tìm được ngôi nhà anh thuê trọ. Nhưng anh lại vừa đi công tác ở Hà Nội. Mẹ anh không biết con mình đi đâu đành ngồi ngoài cửa chờ con về. Trời đã sắp tối mà chẳng thấy tăm hơi của con mình, cũng may lúc đó chị hàng xóm đi làm về thấy bà nhà quê ngồi đó liền hỏi thăm mới biết bà là mẹ của người hàng xóm với mình. Sau khi nói chuyện, chị hàng xóm xin bà số điện thoại của con bà để gọi giúp. Chuông điện thoại của anh rung lên. Anh liền cúp điện thoại vì nhìn thấy số lạ. Điện thoại lại kêu lên lần thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, vẫn số điện thoại đó, anh nghĩ đến phép lịch sự nên nghe máy. "Cô là hàng xóm của cháu đây, mẹ cháu lên thăm cháu đấy, khi nào thì cháu về nhà?". “Hàng xóm à? Cháu xin lỗi cháu không biết cô là ai ạ!”. Trong suy nghĩ của anh đó là người lạ. Bây giờ ở thành phố mọi người chẳng ai tin ai, nhà nào biết nhà nấy, rất ít khi thăm hỏi nhau, gặp nhau thì gật đầu coi như là chào hỏi. Người thành phố có mấy khi sang nhà nhau chơi đâu! Anh chỉ nhớ ở cạnh nhà anh có một đôi vợ chồng trung niên. Ngoài ra anh không biết gì hơn. “Dạ thế à, cho cháu nói chuyện với mẹ cháu được không ạ?" Trong lòng anh vẫn còn nghi ngờ. "Thành à! mẹ đây con, hôm nay con có về nhà không, mẹ nhớ con nên mẹ bắt xe vào thăm con đây". Giọng nói quen thuộc của mẹ cất lên, Thành nghĩ đúng là mẹ rồi không thể là ai khác được. "Sao mẹ không gọi điện trước báo cho con ạ!". "Mẹ gọi cho con rất nhiều lần nhưng máy của con bận suốt, thế nên mẹ cứ đi liều”. "Con về ngay đây ạ! Mẹ ở nhà cô hàng xóm chờ con nhé".

Thành vội vã thu dọn hành lí để ra sân bay thì anh lại nhận được thông báo của Tổng giám đốc công ty phải tiếp tục ở lại để đàm phán một hợp đồng làm ăn lớn hơn. Từ lâu lãnh đạo công ty đã có ý cho anh lên chức giám đốc. Nếu lần này đàm phán thành công thì chiếc ghế giám đốc chắc chắn sẽ là của anh.

Sau một hồi suy nghĩ anh quyết định ở lại, chuyện tình cảm mẹ con thì còn nhiều cơ hội, nhưng cơ hội thăng chức thì không phải lúc nào cũng có. Anh đành phải gọi điện lại cho người hàng xóm, với hi vọng cô ấy sẽ chăm sóc cho mẹ anh mấy hôm cho dù có phải tính thêm tiền sinh hoạt phí hay thế nào cũng được. May là cô hàng xóm nhận lời, nhưng mẹ anh không chịu vì bà nghĩ mình là người nhà quê sống, sinh hoạt với người thành phố không quen biết thì bất tiện lắm nên bà quyết định ngủ nhờ một đêm sáng mai ra bắt xe về quê.

Sáng sớm hôm sau bà xách túi ra về, vì là nhà quê ra tỉnh nên khi qua đường không quen lại lúng túng nên bà bị một chiếc xe ô tô gây tai nạn. Người lái xe đưa bà vào bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh, anh lục tìm trong người bà xem có giấy tờ gì không thì thấy có ba trăm nghìn đồng và số điện thoại. Anh liên lạc theo số đó nhưng ba bốn lần đều không bắt máy. Trong lúc đang đàm phán hợp đồng thì chuông điện thoại đổ liên tục anh liếc qua thấy số lạ không phải của cô hàng xóm nên không bắt máy. Sau ba ngày đàm phán với đối tác cuối cùng bản hợp đồng cũng đã được kí anh vui mừng vô cùng vì chức giám đốc đã cầm chắc trong tay. Anh mua vé máy bay trở về Thành phố Hồ Chí Minh với một tâm trạng rất phấn khích. Khi về đến nhà anh vội vàng qua nhà cô hàng xóm để gặp mẹ thì cô hàng xóm cho biết mẹ anh không ở lại mà đã đi về quê rồi.

Anh gọi điện cho mẹ thì nghe bên kia trả lời “Mẹ anh vào thành phố thăm anh bị tai nạn giao thông, người ta mới đưa xác bà về hai hôm rồi anh về gấp để nhìn mặt mẹ anh”. Mẹ anh nằm đó bất động, khuôn mặt tái mét, nét khắc khổ hằn sâu trên khuôn mặt của bà. Giờ đây mẹ anh không nói được với anh lời nào, mà cũng chẳng thể trách anh được nữa. Anh khóc vật vã bên thi thể mẹ. “Mẹ ơi! Giá mà con đừng vì danh lợi thì mẹ đâu có như vậy, phải không mẹ? Tại con hết mọi sự ân hận đối với con lúc này đều vô nghĩa. Mẹ ơi! Con là đứa con bất hiếu”.

Sau đám tang của me, người ta đưa cho anh một phong thư anh vội bóc ra đọc: “Mấy ngày nay không hiểu tại sao mẹ nhớ con đến thế, mẹ thèm được nghe giọng nói của con nhưng sao mà khó quá. Con ạ! Khi cuộc sống của mẹ con mình thiếu vật chất tiền bạc người đời có thể coi khinh, nhưng mẹ con mình sống có nhau mẹ lại cảm thấy tình cảm ấm áp và hạnh phúc vô cùng. Nhưng khi con thành đạt mẹ con mình không còn đói cơm, rách áo nữa thì mẹ lại thấy đói khát về tình cảm mẹ con. Mẹ nghĩ vậy thôi chứ mẹ không trách con đâu. Con không về thăm mẹ thì mẹ vào thăm con có sao đâu miễn là mẹ con mình gặp nhau là hạnh phúc lắm rồi”. Đọc xong bức thư Thành cảm thấy hối hận vô cùng, anh chỉ biết thốt lên giá mà… giá mà…

Theo Ngaymoionline.com.vn

Bình luận