Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong - Giồng Trôm (Bến Tre): Bảo tồn giá trị nghề truyền thống
  • Home/
  • Tin tức/
  • Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong - Giồng Trôm (Bến Tre): Bảo tồn giá trị nghề truyền thống
Tin tức

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong - Giồng Trôm (Bến Tre): Bảo tồn giá trị nghề truyền thống

Tỉnh Bến Tre nổi tiếng là xứ sở của những hàng dừa xanh bạt ngàn, do đó, làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công được từ dừa cũng khá đa dạng, phong phú. Một trong số làng nghề tiêu biểu tại đây phải kể đến là làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong - Giồng Trôm.
Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc), nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự nổi. Hiện nay, để đến đây, có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong đã hình thành từ năm 1992 với các mặt hàng chủ lực sản xuất giỏ cọng dừa làm quà tặng, cắm hoa từ cọng dừa. Ban đầu, làng nghề tập trung nhiều nhất ở khu vực ấp 3, rồi lan rộng trong toàn xã. Ngoài ra, xã còn phát triển thêm nghề mới là làm hàng thủ công mỹ nghệ từ trái, gáo, thân dừa. Ngày 8/4/2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 647 công nhận làng nghề đan giỏ cọng dừa thuộc xã Hưng Phong (Giồng Trôm).
Hơn 20 năm qua, Hưng Phong là một trong những xã của huyện Giồng Trôm chuyên sản xuất giỏ cọng dừa để tiêu thụ khắp nơi trong nước. Xã Hưng Phong có 617,3ha dừa đang cho trái trên tổng số 1.222ha diện tích đất tự nhiên. Được biết, hiện xã có 500 hộ đan giỏ cọng dừa, 1 tổ hợp tác đan giỏ cọng dừa và 11 hộ thu mua giỏ cọng dừa, trong đó có vài chục hộ quy mô lớn, số còn lại tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan giỏ. Nhiều hộ có điều kiện tự làm khung, mua dây và cọng dừa về đan giỏ. Một số hộ nhận khung, dây và cọng dừa từ các hộ sản xuất quy mô lớn về hoàn thiện sản phẩm. Công việc này đã và đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động. Đây là công việc nhẹ, không cần vốn, nhưng mang đến nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, chủ yếu dành cho chị em phụ nữ.
 

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong - Giồng Trôm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
 
Để làm ra một sản phẩm, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu chuẩn bị nhiên liệu, đến việc khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Trung bình để làm ra một chiếc giỏ cọng dừa, tôi phải tốn nửa giờ đồng hồ bao gồm tất cả các công đoạn như ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt và cuối cùng là hoàn thành phần đáy giỏ. Các sản phẩm giỏ cọng dừa cũng đòi hỏi sự cần mẫn và đầu tư công. Điều đặc biệt của loại sản phẩm mỹ nghệ này là thân thiện với môi trường, mang đậm phong vị của quê hương xứ dừa. 
Theo người dân địa phương cho biết, nguồn nguyên liệu cọng dừa phần lớn mua ở địa phương có giá từ 10.000 - 12.000đ/kg. Bình quân 1kg cọng dừa có thể sản xuất được từ 10 - 12 chiếc giỏ. Giỏ loại nhỏ giao cho thương lái 4.000đ/chiếc, giỏ loại trung 5.000/chiếc, loại lớn 6.300 - 6.500đ/chiếc. Hộ tự mua nguyên liệu về sản xuất thu lợi nhuận 50%, còn thuê lao động đan giỏ thì chia đôi lời lãi. Mỗi năm, có gia đình làm ra từ 12.000 - 15.000 chiếc giỏ cọng dừa, cho thu nhập khoảng vài chục triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống. 
 
Các sản phẩm nơi đây được chủ cơ sở thu gom giao bán tại các khu du dịch, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương trên cả nước.
Tuy ghề đan giỏ cọng dừa ở đây được hình thànhvài chục năm, nhưng có bước phát triển khá mạnh. Nhờ mẫu mã đa dạng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều. 
Hiện tại, làng nghề đang phải trải qua khoảng thời gian thăng trầm, giá cả lên xuống bấp bênh, mà chủ yếu là sản phẩm giỏ cọng dừa Hưng Phong vẫn chưa có một đầu ra thật sự chắc chắn và ổn định. Đây được xem một trong những khó khăn mà chính quyền địa phương và bà con trong xã vẫn đang rất lo lắng và băn khoăn trong giai đoạn hiện nay.
Thế nhưng, vẫn rất hi vọng vào một tương lai tươi sáng đối với làng nghề này, bởi việc phát triển làng nghề truyền thống không chỉ đem lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Bài và ảnh An Yên
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận