Mùa Xuân thăm núi Thần Đinh
  • Home/
  • Tin tức/
  • Mùa Xuân thăm núi Thần Đinh
Tin tức

Mùa Xuân thăm núi Thần Đinh

Núi Thần Đinh - chùa cổ Kim Phong ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình từ xưa đã được nhiều người biết tiếng.

Từ trung tâm huyện Lệ Thủy đến ngã tư Nam Long rẽ phải vào khoảng 3 km gặp hồ Rào Đá nằm dưới chân núi Thần Đinh. Đứng trên đập Đại thủy nông Rào Đá có dung tích 82 triệu khối nước lớn nhất tỉnh Quảng Bình, khởi công 2006 hoàn thành năm 2011, cấp, tưới nước cho ruộng đồng các xã An, Vạn, Tân, Xuân, Hiền, Hàm, Duy huyện Quảng Ninh.

Núi thần Đinh, chùa cổ Kim Phong nhìn từ hướng cầu Long Đại

Ngôi chùa cổ trên núi Thần Đinh ở độ cao 336,6 m so với mực nước biển có từ hàng trăm năm trước. Chùa xây hướng Đông Nam, cạnh đó có giếng nước, quanh năm không cạn. Đứng trước cửa chùa phóng tầm mắt ra xa, con sông Long Đại hiền hòa, xanh trong uốn khúc chảy ra cửa Nhật Lệ.

Sách cổ chép lại, ngôi chùa Kim Phong nằm trên núi Thần Đinh không rõ dựng từ đời nào, chỉ biết, năm 1830 (năm Khải Định) có hòn non bộ họ Trần ở làng Đức Phổ, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, ghi chùa được phục hồi tôn tạo thời kì này. Từ chân núi đến chùa khoảng 960m gồm 1.225 bậc cấp, mỗi cấp bề ngang 2,4m; nhà tăng ba gian có cổng tam quan. Nền chính 7m, hiên chùa bề ngang 6,2 m, sân chùa dài 11,2m, rộng 4m lát gạch Bát Tràng, lập 11 pho tượng, công trình tu sửa, tôn tạo, chi phí hết 2.100 lạng bạc.

Năm 1947, quân Pháp đổ bộ vào Quảng Bình, lên núi Thần Đinh tìm cơ sở cách mạng của ta. Chúng đập phá chùa, bắt dân khiêng chiêng đồng và tượng Phật chở về đồn Mỹ Trung thuộc xã Gia Ninh, sau đó đưa về Đồng Hới. Biết tin, phật tử ở các chùa quanh vùng đến thương thuyết, đấu tranh với chỉ huy quân Pháp buộc chúng phải trả lại. Sau ngày đất nước thống nhất, chùa cổ Kim Phong, núi thiêng Thần Đinh được phục hồi, đáp ứng nhu cầu tâm linh của phật tử và du khách thập phương.

Tháng 8/2004, UBND tỉnh Quảng Bình công nhận quần thể di tích núi Thần Đinh, chùa Kim Phong là cảnh quan cấp tỉnh. Năm 2006, UBND tỉnh phê duyệt đề án đầu tư xây dựng các hạng mục. Đến năm 2012, công trình trùng tu tôn tạo được tiến hành. Khi các hạng mục được hoàn thành, nhà chùa tiến hành bài trí, cúng thờ trên bệ cao tượng Phật sơn son thiếp vàng. Hai bên 3 tượng Phật tọa trên tòa sen. Hàng thứ ba chính giữa là Phật thích ca mâu ni. Hàng thứ tư chính giữa là tòa Cửu Long; hàng thứ năm là Phật bà quan âm đứng trên tòa sen, hai vị bồ tát khoác áo đen có gậy trên vai. Trước bàn thờ Phật là đại lư đồng hoa văn đẹp, cao 1,69 m, đường kính 1,63m.

Ngoài ra, còn có chiếc trống đại với đai trống chiều cao 3,55 m, thân trống dài 2,2m, mặt trống 1,28m. Trống có độ vọng rung trầm. Bên cạnh trống là Đại hồng chung (chuông) hình trụ, chiều dài 2m, đường kính miệng chuông 1,43 m, dày 5 cm.

Núi Thần Đinh, chùa cổ Kim Phong là di tích lịch sử, trải qua hàng trăm năm vẫn tồn tại. Hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, tết Nguyên Tiêu, Rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, Rằm tháng 7… khách thập phương trong và ngoài tỉnh đến dâng hương kính niệm.

Theo Ngaymoinonline.com.vn

Bình luận