Mưu sinh mùa nước nổi
  • Home/
  • Tin tức/
  • Mưu sinh mùa nước nổi
Tin tức

Mưu sinh mùa nước nổi

 

Theo vòng quay của tạo hóa, mỗi năm vào thời điểm này con nước lũ lại về với đồng bằng châu thổ Cửu Long. Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh của người dân. Không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc… nhiều hộ NCT còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập...
Cá linh mùa nước nổi.
 
Dọc theo kênh Vĩnh Tế mùa này, con nước đã bò vào đến bãi, vỗ về mấy chiếc vỏ lãi của dân câu lưới đồng xa. Khi lũ về, mỗi ngày cư dân đầu nguồn đánh được hàng chục, thậm chí hàng trăm kí cá linh để bán cho thương lái mang đi tiêu thụ khắp nơi. Hiện nay, tại các chợ đầu nguồn của tỉnh An Giang và Đồng Tháp, các tiểu thương thu gom cá linh với giá cá linh non còn sống 200.000 đồng/kg, cá lóc 140.000 đồng/kg, cá sặc 70.000 đồng/kg, ếch 90.000 đồng/kg, cá thiểu 70.000 đồng/kg. Nhiều sản vật khác như bông súng, điên điển, rau muống đồng cũng có mặt tại chợ.
Mùa nước nổi, dọc theo tuyến kênh ngút tầm mắt là đồng nước mênh mông và những rặng điên điển đang vào mùa trổ bông vàng rực. Ông Lý Văn Sơn, 60 tuổi, xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán trên 30.000 đồng/kg. Bông điên điển hái buổi sớm rất tươi ngon. Vào mùa nước nổi, mỗi ngày tôi cũng hái được năm ba kí, có thêm chút thu nhập để phụ thêm tiền học cho con.
Kiếm sống nghề đóng đáy
Cơn sóng nhỏ bất chợt lướt ngang mặt sông, chiếc ghe bầu của Hai Lũy, tên thường gọi của ông Nguyễn Văn Lũy, 64 tuổi, ngư dân ở huyện An Phú tròng trành từng nhịp. Năm chiếc võng mắc trên ghe bầu3 là chỗ nương náu của 5 phận đời làm nghề đóng đáy trên sông.
Năm nào cũng vậy, đến mùa nước nổi, những người bạn “tri kỉ” của ông Lũy lại hẹn gặp tại sông Dung Thăng để mưu sinh với nghề đóng đáy. Khác với những nhánh sông lớn ở đầu nguồn, Dung Thăng có vị trí thuận lợi, nằm ngay hạ lưu của 2 nhánh sông nhỏ chảy qua từ nước bạn Campuchia. Vào mùa nước nổi, nơi đây hứng một lượng lớn “sản vật đồng” từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, những năm gần đây, “mẹ thiên nhiên” không còn ưu đãi.
Đang quay chiếc sa tay kéo túi đáy ngoài khơi lên để thu hoạch cá linh, Hai Lũy trần tình: “Lũ năm nay thấp, cá linh “chạy” đáy quá ít. Mỗi ngày, dàn đáy của tôi thu hoạch khoảng 20kg cá linh, bán không đủ chi phí để trả công cho mấy ông bạn dỡ đáy”. Lời chia sẻ của ngư dân được mệnh danh là “cao thủ” chuyên nghiệp, sống bằng nghề hứng cá “miệng bà thủy” như nói thay tình cảnh của những người trót mê cái “nghiệp” đóng đáy trên sông.
Tính đến nay, Hai Lũy sống bằng nghề “hạ bạc” hơn 30 năm nên ông hiểu rõ “tính nết” của con nước lũ từng năm. Những bạn đóng đáy thường ví von, Hai Lũy như “phù thủy sông sâu” biết được cá sinh sản nhiều hay ít theo con nước. Nhìn nguồn nước chầm chậm trôi, giọng ông trầm buồn: “Lũ thấp như vầy, khó mà có nhiều cá. Hằng chục năm trong nghề, chưa thấy năm nào cá ít như mùa lũ năm nay. Thường vào thời điểm này, cá linh vô đáy nhiều lắm”.
Ông Hai Lũy giải thích, cá linh “chạy” mạnh vào các ngày mùng 8, 9, 10 trong tháng (âm lịch). Nếu hôm nào trúng mánh, thu hoạch cả tấn cá linh. Dạo này, cá chạy rất ít nên bạn dỡ đáy nằm đợi để gỡ gạc được vốn liếng.
                                                                                                                                         
Bài và ảnh Đông Thị
Theo ngaymoionline.com.vn
       
 ngaymoionline.com.vnhttps://ngaymoionline.com.vn/muu-sinh-mua-nuoc-noi-38391.html
 

Bình luận