Nghệ nhân “Thổi hồn” vào than đá
  • Home/
  • Tin tức/
  • Nghệ nhân “Thổi hồn” vào than đá
Tin tức

Nghệ nhân “Thổi hồn” vào than đá

Không chỉ đam mê về than từ nhỏ, sau này, ông lại coi đó là nghề chính và yêu nó từ lúc nào không hay. Những tác phẩm của ông được người “sành” về mĩ thuật đánh giá cao bởi kĩ thuật và trình độ điêu luyện. Đó là ông Phạm Tiến Chín, tổ 7, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh... 

Tiếp chúng tôi, ông Chín cho biết: “Nghề chế tác mĩ nghệ than đá xuất hiện do người Pháp du nhập vào tại vùng mỏ Quảng Ninh từ cuối thế kỉ XIX. Trước năm 1986, những người thợ tham gia vào HTX Hồng Gai chuyên chế tác tranh, mĩ nghệ than đá. Sau khi hoạt động không hiệu quả, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, HTX bị giải thể. Năm 1986, những người khôi phục lại nghề thủ công này để sinh sống”.

Hồi nhỏ, chú bé Chín được bố cho một vài hòn than làm “đồ chơi”. Từ món quà đó, chú bé Chín làm thành những hòn bi và đồ chơi nhỏ. Sau này, khi lớn lên, ông Chín là công nhân nhà máy cơ khí Hòn Gai, với chuyên ngành thợ tiện cơ khí chế tạo máy. Thời gian này, ông lấy bà Vũ Thị Phương nữ công nhân làm tại Công ty Mĩ thuật, Mĩ nghệ Quảng Ninh. Cũng vì mưu sinh, nên ông Chín đành tạm gác ước mơ chạm khắc than đá từ nhỏ của mình lại. Năm 1995, nhận thấy nhiều du khách tới thăm quan Hạ Long thích thú với các sản phẩm từ than đá. Ông Chín, bàn với người vợ, tự mở một xưởng riêng, chế tác các sản phẩm từ than đá.

Nghệ nhân Phạm Tiến Chín đang chế tác tác phẩm từ than

Nhiều năm qua, ông Chín có hàng trăm tác phẩm khắc than đá như tượng cô gái, đảo hoang, vịnh Hạ Long, hòn gà chọi, các bình hoa,… Sản phẩm của ông được du khách đánh giá rất cao về chất lượng và kĩ thuật, nghệ thuật chạm khắc. Để làm ra một tác phẩm từ than đá, đòi hỏi người thợ phải biết cách từ chọn than, cho đến đục, đẽo, chạm… qua bàn tay, khối óc tài hoa của mình mới cho ra một sản phẩm có hồn, và đẹp.

Để chạm khắc được một sản phẩm từ than đá cần rất nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên để có được một tác phẩm đẹp từ than là phải chọn chất liệu tốt. Than đá dùng để chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật phải là phôi than mĩ nghệ hóa thạch với các yêu cầu như than đen đặc, trên bề mặt than không có những đường vân, mạch đứt gãy xuyên ngang dọc. Bước tiếp theo là rửa phôi than sạch sẽ bằng nước để lộ nguyên thổ than. Sau đó, làm các công đoạn như cưa, cắt, đục, mài, gọt, giũa than theo ý tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Bước cuối cùng là khắc chữ, chỉnh sửa, gọt giũa, chau truốt lại tác phẩm trước khi đưa ra thị trường. Để hoàn thành một tác phẩm lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp phải trải qua từ 5 đến 12 người thợ chế tác.

Mỗi tác phẩm điêu khắc than thể hiện sự kết tinh của sự sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say mê với nghề. Khâu khó nhất của nghề điêu khắc than là việc căn chỉnh tạo hình trên bề mặt than. Các dụng cụ dùng để chế tác than gồm búa, đục, cưa, kìm, dao, kéo, giấy ráp, máy đánh bóng. Từ một số mẫu đơn giản ban đầu như phù điêu Vịnh Hạ Long, hòn trống mái… Các sản phẩm điêu khắc từ than đá tại Quảng Ninh có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và một số quốc gia như Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức…

Tuy công việc vất vả, thu nhập không cao nhưng với lòng yêu nghề, ông Chín vẫn duy trì sản xuất. Với ông, ngoài việc mưu sinh, duy trì công việc điêu khắc than là giữ gìn nghề truyền thống quê hương, làm đẹp cho đời. Sản phẩm từ điêu khắc than dùng để trang trí, làm quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu nghề điêu khắc than bị mai một thì thật đáng tiếc.

Theo Ngaymoionline.com.vn

Bình luận