Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Chuyện làng nghề từ tơ tằm đến lụa tơ sen
  • Home/
  • Tin tức/
  • Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Chuyện làng nghề từ tơ tằm đến lụa tơ sen
Tin tức

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận: Chuyện làng nghề từ tơ tằm đến lụa tơ sen

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận vốn sinh ra và lớn lên ở làng quê có nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nức tiếng từ xưa (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội). Bà luôn tự hào với quê hương, với nghề truyền thống của ông cha. Bà cần cù, hăng say lao động sản xuất; gìn giữ, phát huy nghề truyền thống và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn.
Câu chuyện nghề tằm tơ
 
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận là một người nặng lòng với nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Từ lúc còn nhỏ, bà đã sớm tiếp xúc với lá dâu, nong kén, con tằm, tiếng máy dệt. Năm 6 tuổi, bà đã biết hái dâu nuôi tằm và khi lớn lên, được gia đình dạy bảo, truyền nghề nên bà càng thêm gắn bó, yêu quý nghề truyền thống của quê hương và gia đình. 
 
Bà luôn tìm tòi, nghiên cứu, tìm hướng đi mới để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa; tìm đầu ra cho sản phẩm và sáng tạo những sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng, giá thành phải chăng và phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. 
 

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận.
 
Với lòng yêu nghề, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận lại tích cực nghiên cứu, tìm lối thoát cho con kén; nghiên cứu tính năng nhả tơ của tằm và đầu tư nhiều công sức, đúc kết kinh nghiệm và làm ra nhiều sản phẩm từ tơ tằm. Năm 2000, bà thành lập Công ty để mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới, như: Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Anh, Đức, Mỹ, Italya, Thái Lan,… Sản phẩm của bà làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đấy, với các đơn đặt hàng chủ yếu xuất khẩu đi nước ngoài.
 
Năm 2005, bà tham gia vào Hiệp hội Làng nghề Việt Nam với mong muốn giữ gìn nghề dệt lụa truyền thống Phùng Xá; phát triển mạnh ngành tằm tơ huyện Mỹ Đức. Năm 2010, bà được mời tham dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ đó bà càng thêm tự hào về truyền thống văn hóa Thăng Long với nét tài hoa người Hà Nội; tự hào về một thủ đô Hà Nội “văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”.
 
 
Từ đó đến nay, bà đã tạo ra được sản phẩm mền bông do con tằm tự dệt; cho ra đời nhiều tấm mền chăn, các loại gối chất lượng cao, hay những sản phẩm mũ ấm, áo rét 100% chất lượng tơ tằm được khách hàng ưa chuộng. Bà cũng đã trực tiếp hướng dẫn cách nuôi tằm đạt năng suất cao, chất lượng tốt và tổ chức thu mua tằm cho nông dân với giá cao để kích thích họ hăng say sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. 
 
Đánh thức tiềm năng từ sen
 
Năm 2016, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho Viện Kinh tế sinh thái thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của Myanmar. Mô hình của đề tài được thực hiện tại thôn Hạ (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức). Khi đó, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do nghệ nhân Phan Thị Thuận làm Giám đốc đã được chọn để hợp tác cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sản xuất lụa tơ sen. Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công vải lụa từ tơ sen.
 

 
Quãng thời gian thử nghiệm sản xuất tơ sen là vô cùng khó khăn, nhưng bà đã tìm ra được phương thức tối ưu nhất để lấy được tơ từ sen. Bà luôn đau đáu nặng lòng với nghề, bà không chỉ giữ gìn được nghề dệt sợi truyền thống mà còn phát triển nghề lên 1 tầng cao mới. Bà cũng chính là người đã sáng tạo ra kỹ thuật dệt vải từ sợi tơ sen, nổi tiếng với chiếc khăn dài 1,7m phải cần tới 4.800 cuống sen. Để làm được một chiếc khăn từ tơ sen phải mất hơn 1 tháng mới có thể hoàn thiện.
 
Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 đến 4.000 cuống lá trở lên. Chất liệu khăn được làm từ tơ sen vừa ấm, thoáng, nhẹ và những sợi tơ mềm mại còn phảng phất chút hương sen, đó là lý do lụa sen được mệnh danh là viên ngọc quý trong thế giới lụa. 

 
Nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn đau đáu để truyền nghề cho nhiều người, mong muốn lưu giữ những tâm huyết và giá trị từ sen mà bà đã dầy công nghiên cứu và phát huy. Mong muốn các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ông cha để lại.
 
Từ những cuống sen vốn tưởng như “vô dụng”, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã dệt nên chiếc khăn lụa tơ sen quý giá. Người phụ nữ ấy hiện vẫn đang miệt mài, tiếp tục “truyền lửa” nghề dệt lụa tơ tằm, lụa tơ sen đến các thế hệ trẻ để bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống quê hương.
 
Bài và ảnh: Văn Bình
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận