Người làm “sống lại” những ngôi nhà cổ ở xứ Quảng
  • Home/
  • Tin tức/
  • Người làm “sống lại” những ngôi nhà cổ ở xứ Quảng
Tin tức

Người làm “sống lại” những ngôi nhà cổ ở xứ Quảng

Quảng Nam từ lâu là nơi được biết đến là vùng miền có nhiều nghề truyền thống như: nghề mộc Kim Bồng, đồng Phước Kiều, gốm Thanh Hà, lụa Hội An…. Nhưng nhắc đến nghề làm nhà cổ không ai không biết đến nghệ nhân Trần Tâm, xã Điện Phương (TX Điện Bàn) người ghi dấu ấn với những ngôi nhà cổ tinh xảo trộn lẫn hài hòa nét hiện đại và văn hóa truyền thống.
Sinh ra trong một gia đình không có ai đam mê với nghề truyền thống địa phương, nhưng vì cuộc sống mưu sinh ngay từ nhỏ anh Trần Tâm (SN 1975) đã theo các bậc “lão thành” nghề mộc trong làng đi khắp các tỉnh từ Quảng Trị, tới Huế đến tận các tỉnh vùng Tây Nguyên phục dựng những ngôi nhà cổ truyền thống. Từ đó, anh đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu và lĩnh hội tinh hoa từ những người thợ có tay nghề cao tại địa phương. 
Đến nay, hơn 30 năm làm trong nghề, anh đã tạo dựng cho mình một cơ sở riêng và có hàng trăm công trình lớn nhỏ khắp cả nước được tạo dựng dưới đôi bàn tay tài hoa và khéo léo của anh. Tuy nhiên anh vẫn luôn tâm niệm rằng, phải tự mình trau dồi, nâng cao tay nghề, cũng như cố gắng giữ lửa và phát huy nghề truyền thống.
 

Những nét hoa văn tinh xảo được anh thể hiện ở từng nét chi tiết trong một ngôi nhà cổ.
Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Những ngôi nhà cổ truyền thống đều mang nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau. Để làm được ngôi nhà cổ như thế thì người thợ phải tìm hiểu kỹ về những nét văn hóa, lịch sử ở từng vùng miền để từ đó có những kiến trúc, thẩm mỹ phù hợp chứa đựng trong đó hồn cốt, nét văn hóa truyền thống xưa của vùng miền đó. Người thợ trong nghề này phải có “hoa tay” và trí tưởng tượng phong phú. Chỉ có hội tụ được những yếu tố này thì người thợ mới chạm trổ được những hoa văn đặc trưng và tinh xảo. Trong quá trình chạm trổ phải luôn kiên trì, cẩn thận và chính xác đến từng ly nên chỉ cần lỡ tay là hoa văn bị hư hỏng, phải bỏ phí cả đoạn gỗ quý. Do tính khắt khe, sáng tạo nên chỉ ai yêu nghề, chịu khó, kiên nhẫn thì mới gắn bó lâu dài với nghề được. Dựng nhà gỗ cổ truyền là một nghề khó. Muốn làm thợ “biết việc” phải mất tới dăm bảy năm, còn đạt trình độ nghệ nhân, ngoài tố chất tài hoa, sự cần mẫn, tâm huyết với nghề thì phải dành cả đời làm nghề cùng sự tìm tòi, học hỏi không ngừng. 
Đến nay, anh Trần Tâm không nhớ mình đã sáng tạo và thi công bao nhiêu công trình nhà gỗ ở khắp mọi miền đất nước. Chỉ biết xong công trình nào chủ nhà cũng ưng ý, thu hút được nhiều người chiêm ngưỡng và thán phục. Có những ngôi nhà phục dựng lại nét cổ xưa như yêu cầu của gia chủ nhưng những người thợ nơi khác không làm được lại gọi tới anh. Qua khối óc sáng tạo và khả năng tạo dựng lại anh luôn làm hài lòng gia chủ. Có những gia đình kiên nhẫn chờ cả vài năm trời mới có được ngôi nhà gỗ ưng ý. 
 

Một sản phẩm nhà cổ lục giác do bàn tay anh tạo dựng.
Điều đặc biệt ở anh là kỹ thuật chạm khắc, ý tưởng độc đáo, không chỉ thể hiện từng nét hoa văn, nghệ thuật trong việc tạo dựng các nhà gỗ cổ truyền thống của từng thời kỳ khác nhau mà còn làm mới nhiều công trình và phục chế các di tích lịch sử như: Đình, Chùa đã được xếp hạng cấp quốc gia. 
 

Khâu lựa chọn chất lượng gỗ để dựng nhà luôn quan trọng với mỗi người thợ có tâm huyết.
Trải nghiệm về nghề dựng lại ký ức xưa, anh chia sẻ: Cái khó nhất làm nhà gỗ không đơn giản như xây nhà mái bằng, đổ bê tông. Công việc đòi hỏi sự am hiểu phong thủy và sự tỷ mỉ, khéo léo, đặc biệt là tay mực thước của người thợ. Bởi, một ngôi nhà cổ không chỉ đảm bảo một ngôi nhà đẹp, chất lượng tốt, mà phải đảm bảo yếu tố tâm linh phong thủy. Vì vậy, người thợ cần phải am hiểu về thuật phong thủy và có tâm sáng mới làm được nghề. Để làm được một ngôi nhà gỗ cổ cần trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi cả sự dụng công và dụng tâm. Để hoàn thành mỗi công trình cần nhiều tháng, có những công trình cần cả năm mới hoàn thiện xong. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật điêu luyện, người thợ cần có cả tâm huyết thì tác phẩm mới đạt yêu cầu nhưng vẫn không làm mất đi nét giá trị truyền thống.
Hiện tại cơ sở của anh thu hút được nhiều lao động đến tham gia và học tập, tạo thu nhập ổn định cho gần 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 10 triệu đồng/ tháng. Để phát triển hơn về nghề làm sống lại những ký ức xưa anh trăn trở và mong muốn nghề truyền thống ở địa phương cần có một cụm làng nghề tập trung để từ đó phát huy được giá trị bản sắc của làng nghề trong thời kỳ kinh tế hội nhập.
Bài và ảnh: Hữu Tiến
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận