Thái Bình: Làm tốt công tác dạy nghề giai đoạn 2011- 2020
  • Home/
  • Tin tức/
  • Thái Bình: Làm tốt công tác dạy nghề giai đoạn 2011- 2020
Tin tức

Thái Bình: Làm tốt công tác dạy nghề giai đoạn 2011- 2020

Những năm qua, công tác phát triển đào tạo, dạy nghề được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh Thái Bình xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy công tác phát triển nghề đã được quan tâm, chú trọng, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực từng bước được nâng lên.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tỉnh Thái Bình hiện nay trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm 04 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp và 18 trung tâm (12 trung tâm công lập, 06 trung tâm tư thục);  8/8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã có Trung tâm Giáo dục nghề  nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hình thành và phát triển theo quy hoạch cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo cả 3 cấp trình độ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng hiện đại và phù hợp với thực tiễn. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo ngắn hạn, đào tạo nghề gắn với truyền nghề cho người lao động.
Quy mô, cơ cấu các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt 75% góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung của tỉnh. Đến năm 2018, tỷ lệ qua đào tạo là 64%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 50%.
 

Lớp dạy nghề may công nghiệp cho người lao động tại xã Vũ Hoà, huyện Kiến Xương.
 
Bên cạnh đó, công tác phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề luôn được quan tâm. Đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ đã góp phần nâng cao tỷ lệ giáo viên chuẩn hóa của tỉnh cũng như đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, người dạy nghề.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế, giáo dục nghề nghiệp đã từng bước chuyển đổi theo hướng cầu của thị trường lao động; gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tư vấn, tuyển sinh học nghề đối với người lao động. Việc phối hợp, liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được tổ chức thực hiện. Đặc biệt chính sách về dạy nghề được đổi mới, đặc biệt ưu đãi đối với nhóm lao động thuộc hộ nghèo, hộ gia đình người có công với cách mạng, hộ bị thu hồi đất, phụ nữ bị mất việc làm... đã khuyến khích được nhiều người lao động tham gia học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, ổn định đời sống và an sinh xã hội, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh hàng năm.
Công tác phát triển chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020 ở Thái Bình với sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành, các cấp bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những bước chuyển tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong nhận thức của một bộ phận người dân vẫn xem trọng việc học đại học, coi học nghề chưa phải là chỗ dựa vững chắc đối với việc lập nghiệp; công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; chưa có cơ chế cụ thể để gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo có địa chỉ và thực hiện tốt việc giải quyết việc làm sau đào tạo.
Nhìn chung, chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 cần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ với sự đổi mới toàn diện về công tác dạy nghề theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả đổi mới tư duy và cách xây dựng chính sách về đào tạo nghề. Dạy nghề phải đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, phù hợp về cơ cấu, phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Dạy nghề phải phát triển nhanh, bền vững, phát triển cả ở nông thôn, thành thị, vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu học, đảm bảo công bằng trong học tập của mọi người dân, mọi người lao động.
Bài và ảnh T.Anh
Theo Thoibaoviet.com.vn

Bình luận