Truyện ngắn: Vỏ ốc đánh rơi
  • Home/
  • Tin tức/
  • Truyện ngắn: Vỏ ốc đánh rơi
Tin tức

Truyện ngắn: Vỏ ốc đánh rơi

Một ngày mùa Xuân hoa nở tung trời, những con đường đang biêng biếc bởi những cây bàng đã trút hết những chiếc lá đỏ, lá vàng của mình thì tôi tình cờ gặp cô gái đó.

Cô gái có dáng dấp nhỏ nhoi đang đi dưới gốc bàng to đang non nỏn lá nằm bên bãi biển. Mái tóc cô gái thỉnh thoảng lại tung lên bởi những ngọn gió thổi. Cô gái xinh đẹp ấy chỉ đi một mình, đôi chân trần cứ giẫm lên bãi cát, rồi ùa chạy xuống biển, vờn những con sóng cứ òa tràn lên bờ rồi lại lùi ra xa. Tôi nhìn thấy cô gái đang lúi cúi tìm kiếm những vỏ ốc. Nhưng tôi tin chắc rằng cô gái sẽ không nhặt được một vỏ ốc nào trên bãi biển này. Bởi đơn giản đây là bãi biển du lịch, mỗi năm có hàng ngàn lượt người đến và đi. Nếu có một vỏ ốc xinh đẹp nào còn sót lại trên bãi biển thì họ cũng đã nhặt mất rồi.

Tôi ngắm nhìn cô bé đang đi tìm vỏ ốc, rồi bỗng nghĩ đến một kế sách. Tôi đang mang rất nhiều vỏ ốc trong túi xách của mình. Vì có mấy anh bạn ở tận Hà Nội ghé chơi, dặn dò tôi vào tận nơi sản xuất các sản phẩm mĩ nghệ, lựa mua cho các anh những vỏ ốc vẫn còn dáng dấp của biển cả. Ý của các anh bạn là muốn chứng tỏ cho người các anh thương yêu là các anh đã nhặt nhưng vỏ ốc đó trên bãi biển chứ không phải mua ở các cửa hàng. Thế là tôi cầm theo một con ốc biển, đó là con ốc tù và mà theo huyền thoại trong vỏ ốc ấy có cả tiếng vỗ về của những con sóng, còn khi chụm miệng vào vỏ ốc mà thổi thì sẽ phát ra những âm thanh như một bản giao hòa của những ngọn gió đang chạm vào những vách núi cùng tiếng vỗ của những con sóng. Tôi rời bàn nước, đi theo sau cô bé, rồi thả con ốc biển xuống bãi cát. Tôi lấy bàn chân tung cát lấp một phần con ốc như nó đang vừa được sóng biển vừa đánh trôi dạt lên. Kịch bản con ốc biển của tôi thật hoàn hảo khi tôi nói như reo thật to: “A, có một con ốc biển.” Tôi nhặt con ốc lên và ném về phía trước mặt cô bé. Tất nhiên là cô bé đã nhặt lại con ốc tù và xinh đẹp kia. Và cũng sau buổi chiều hôm đó, cô bé đã mang theo con ốc tù và về thành phố nào đó của cô bé, còn tôi thì lại lãng quên một buổi chiều trôi qua như bao buổi chiều đã trôi qua trong cuộc đời.

Tôi nhắc đến câu chuyện cô bé đi tìm một con ốc trên bãi biển ấy là bởi vì chính cô bé đã gợi nhớ cho tôi về hình ảnh của một người con gái khác. Trong cuộc sống muôn trùng, những kỉ niệm này chồng lên những kỉ niệm khác, phả lấp trong lòng ta sự lãng quên, sự xuất hiện của một bóng hình này khiến trái tim ta lại chao về một bóng hình khác, như một sự nhắc nhở. Người con gái ấy tên là Thụy Mi, cái tên thật lạ khiến cho bất cứ người nào cũng không thể nào quên được ấy đã có duyên với tôi trên một con tàu, chính xác hơn là trên một chuyến đi biển.

Minh họa Trần Nhương

Năm đó, tôi có một chuyến đi Bình Thuận. Với tôi, Bình Thuận là sự bí ẩn và lạ lùng và tôi luôn nôn nóng có một lần theo một con tàu ra quần đảo Phú Quý. Địa danh này còn có một tên gọi khác là Cù lao Thu, khá xa đất liền, muốn đến được đó cũng mất cả 5 đến 7 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển. Vì hòn đảo rộng trên 100 ha này cách thành phố Phan Thiết tới 110km. Rất nhiều người muốn đến hòn đảo này để khám phá những bãi đá , những địa danh rất lạ như: Hòn Trứng, Hòn Đỏ, Hòn Giữa, Hòn Đen… Chuyến đi của tôi thành hình khi tôi đi theo đoàn khách du lịch tham quan Phú Quý kéo dài một tuần lễ. Đảo lớn với các làng chài, với những con thuyền neo đậu và có cả những nơi buôn bán khá sầm uất tạo cho tôi một cảm giác lạ.

Thụy Mi xuất hiện trong chuyến đi ấy thật ngẫu nhiên, như thể định mệnh đã xếp đặt cho tôi và Thụy Mi gặp nhau. Thụy Mi là hướng dẫn viên của Công ty du lịch ở Phan Thiết được cử đi theo đoàn để hướng dẫn cho du khách. Cô gái có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc dài óng mượt thả lửng bờ vai, nước da trắng như không hề ảnh hưởng đến nắng gió ở thành phố miền Trung này. Khi bắt gặp Thụy Mi trên con tàu, trái tim của tôi đã chao đảo, bởi vì Thụy Mi đúng là mẫu con gái tôi vẫn thường đặt ra cho người yêu tương lai của mình. Thụy Mi đã làm cho cả con tàu vui nhộn lên theo cách khơi động niềm vui của mọi người trong cuộc hành trình dễ làm cho con người mệt nhoài vì lênh đênh trên biển dài ngày. Đi Phú Quý, chúng tôi tò mò hình dung ra một làng chài, nhưng cô hướng dẫn viên Thụy Mi lại kể chuyện lịch sử khiến cho chúng tôi vui hơn. Thụy Mi kể về hòn đảo Bàng Tranh: Vào thời vua Chế Củ vương triều Chăm Pa, nàng công chúa Bàng Tranh do không nghe lời vua cha nên đã bị ông đày ra hòn đảo này. Khi bị đày ra nơi hoang vu, công chúa cùng những nô tì đi theo đã phải tự vỡ đất trồng trọt, nuôi gia súc mà sống cho đến cuối đời, được chôn cất ở đây. Sau đó, nhiều người mới đến hòn đảo lập nghiệp, lập đền thờ, tạc tượng công chúa Bàng Tranh bằng đá san hô. Nhưng do tượng bằng san hô, theo thời gian đã không còn mà chỉ còn cái tên đảo Bàng Tranh.

Cái thú đi xem đồi mồi đẻ trứng của du khách ở đảo Bàng Tranh mới là điều thú vị. Nhưng tất cả đoàn chẳng có ai đi, chỉ có mỗi mình tôi. Thế là tôi và Thụy Mi cùng ra bãi cát đợi xem đồi mồi đẻ. Và chính đêm hôm đó Thụy Mi gặp nạn. Trong ánh sáng mờ mờ của ánh trăng non, Thụy Mi và tôi đã leo lên một mỏm đá cao để tìm cách tiếp cận những con đồi mồi lợi dụng bóng đêm từ dưới biển lên đào cát để đẻ trứng. Không may là Thụy Mi đã bị trượt chân và hậu quả là Thụy Mi đã bị trật khớp bàn chân phải. Thụy Mi không thể nào đi được, thế là dưới vầng trăng non, tôi đã cõng Thụy Mi trở về nơi đoàn đang nghỉ ngơi. Để rồi một cơn mưa bất chợt đổ về trên đảo. Con đường về mù mịt, chỉ có ngọn đèn pin của hai đứa chúng tôi là le lói. Lạnh, chỉ còn cách duy nhất là cả hai chen vào một hốc đá chật hẹp đợi cho cơn mưa ngưng. Thụy Mi lạnh, tôi cũng lạnh.

Hai đứa đã ôm nhau trong cái lạnh khắc nghiệt định mệnh đó. Tôi không cưỡng lại lòng, đặt đôi môi mình lên đôi môi đang tái nhợt vì lạnh của Thụy Mi. Nụ hôn òa vỡ của một cuộc tình.

Tình yêu của chúng tôi cũng đã chớm nở từ trong đêm đó. Cũng trong đêm đó, tôi được biết hôm đó cũng là ngày cuối cùng Thụy Mi làm hướng dẫn viên du lịch. Vì em chuẩn bị sang Mỹ đoàn tụ gia đình.

Tôi và Thụy Mi chỉ gặp nhau một lần duy nhất trong cuộc đời hai người như thế. Nửa tháng sau tôi trở lại Phan Thiết, tìm đến chỗ làm của Thụy Mi thì biết em đã ra đi. Một chuyến bay lặng lẽ nào đó đã bứt lìa cô gái vai gầy, mái tóc dài của tôi đi xa biệt.

* * *

Điện thoại của tôi hiện lên một số lạ. Tôi rất cẩn thận lưu vào trong máy của mình tất cả những số điện thoại của bất cứ ai dẫu họ chỉ gọi tôi một lần. Rất đơn giản là có một lúc nào đó họ sẽ gọi lại tôi và có thể tôi sẽ cần gọi đến họ. Nhưng số điện thoại không ghi tên người chắc chắn là số điện thoại gọi tôi lần đầu. Đó là cuộc điện thoại hẹn tôi.

Tôi đến chỗ hẹn đúng giờ. Cô gái xuất hiện khiến cho trái tim tôi như thắt lại. Đó là cô gái lang thang trên bãi biển và đã nhặt chiếc vỏ ốc tù và tôi giữ vờ đánh rơi bên thềm cát biển. Tôi càng giật mình hơn nữa khi nhìn thẳng vào cô gái. Cô có khuôn mặt như Thụy Mi. Suýt tí nữa thì tôi đã la lên: “Cô gái nhặt vỏ ốc”.

Hai li cà phê đem ra, những giọt cà phê cứ lặng lẽ rơi xuống, lặng lẽ như câu chuyện của Thụy Vân kể. Thụy Vân - tên cô gái đó, không ai khác hơn là cô em út của Thụy Mi.

Buổi sáng nắng loang trên mặt biển. Nắng cứ òa tràn làm chói lòa những đôi mắt ngó. Thụy Vân nói: “Em đã đến Công ty du lịch, tìm mãi mới ra danh sách khách đi ra đảo Phú Quý hôm có mặt anh. Từ đó, em mới tìm ra được nơi anh làm việc và em đã có số điện thoại của anh”.

Giọng Thụy Vân trầm trầm: “Chị Thụy Mi đã qua đời cách đây 6 tháng. Chị bảo khi nào về nước hãy tìm anh, nói rằng chị rất yêu anh. Chị có gởi cho em một vỏ ốc chị nhặt được ở đảo Phú Quý, chuyến đi anh và chị quen nhau đó. Nhưng em lại bỏ lạc đâu rồi”.

Thụy Vân lấy trong túi xách ra chiếc vỏ ốc mà tôi giả vờ đánh rơi.

- Chiếc vỏ ốc nào em nhặt trên bãi biển. Coi như của chị Thụy Mi gởi anh, anh nhé.

Tôi cầm chiếc vỏ ốc lên. Như một phản xạ, tôi đưa tay bịt nó lại và thổi. Tiếng vỏ ốc loang ra trong không gian ấy như tiếng của Thụy Mi năm nào: “Trời ơi, sao em lạnh quá.” Tôi bỗng nghĩ đến những giọt nước đã không trở về biển cả.

Theo Ngaymoionline.com.vn

Bình luận