Tuyên Quang: Nghệ nhân với tâm huyết gìn giữ di sản văn hoá
  • Home/
  • Tin tức/
  • Tuyên Quang: Nghệ nhân với tâm huyết gìn giữ di sản văn hoá
Tin tức

Tuyên Quang: Nghệ nhân với tâm huyết gìn giữ di sản văn hoá

Tuyên Quang tự hào khi sở hữu một kho di sản văn hóa truyền thống phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong dòng chảy thời gian, những di sản này vẫn có sức sống mãnh liệt, một phần rất lớn nhờ công gìn giữ của những nghệ nhân dân gian.

Tuyên Quang: Nghệ nhân với tâm huyết gìn giữ di sản văn hoá

Ông Âu Ngọc Như với các thành viên Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Cao Lan thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Ở tuổi thất thập, ông Âu Ngọc Như, thôn Giếng Đõ, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vẫn là thành viên cốt cán của Câu lạc bộ bảo tồn gìn giữ văn hóa Cao Lan của thôn. Yêu tiếng nói dân tộc, mê đắm những ý nghĩa sâu xa trong từng lời hát Sình ca, ông Như tự mình mày mò, tìm đọc các tài liệu và “tầm sư học đạo” ở các xã đông đồng bào Cao Lan ở Sơn Dương, Hàm Yên... ghi chép lại những lời hát, những điệu múa truyền thống của dân tộc mình.

Khi nhìn thấy nguy cơ mai một văn hóa Cao Lan trong cộng đồng, ông Như đề xuất với thôn, với xã thành lập Câu lạc bộ, trong đó, người già, người am hiểu truyền dạy lại người trẻ, người chưa biết.

Tròn 10 năm thành lập Câu lạc bộ, là tròn 10 năm ông Như theo sát từng buổi tập, từng chuyến biểu diễn trong xã, ngoài huyện.

Ông bảo, mong muốn lớn nhất của ông là có thể mở một lớp dạy tiếng nói cho thế hệ con cháu trong thôn, trong xã, vì đây thực sự là nguồn kế cận để mạch nguồn văn hóa Cao Lan tiếp tục chảy trong nhịp sống hôm nay.

Nghệ nhân Phàn Văn Phú, thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành (Hàm Yên) hiện còn giữ được gần 100 cuốn sách cổ về những nghi lễ trong cưới hỏi, đám tang, cầu mùa, lễ cúng tổ tiên, lễ Cấp sắc, những câu đối, câu chúc trong ngày Tết, ngày vui, và cả những bài hát truyền thống của người Dao...

Không chỉ là người am hiểu các nghi lễ thờ cúng, văn hóa Dao, ông Phú còn hát Páo dung rất hay, giỏi chơi các loại nhạc cụ, đặc biệt là kèn Pí Lè. Nếu sự gắn bó với cây kèn của ông được truyền lại từ ông, cha thì tình yêu với những làn điệu dân ca của ông lại xuất phát từ những câu hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ, của chị... Chưa đến 10 tuổi, ông đã sử dụng thành thạo chiếc kèn Pí Lè và hát được các điệu Páo dung. Ông bảo, kèn Pí Lè được người Dao coi như báu vật. Vào ngày lễ, ngày Tết, đối với người Dao có thể thiếu thịt, thiếu rượu nhưng không thể thiếu tiếng kèn Pí Lè.

Học thổi kèn không khó, quan trọng là phải say mê và kiên trì. Muốn thổi ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ kèn; đồng thời, dùng các ngón tay điều khiển các lỗ hơi - các nốt nhạc. Hơi thổi vào kèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi ra hay hít vào sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau.

Am tường vốn quý văn hóa truyền thống nên ông Phú luôn trăn trở làm thế nào để gìn giữ, phát huy được các giá trị quý giá ấy. Với ông, dù xã hội có phát triển văn minh hiện đại bao nhiêu thì bản sắc văn hóa dân tộc luôn là niềm tự hào và mạch nguồn chảy mãi trong mọi thế hệ người Dao. Vào những tối cuối tuần, những đợt lễ, Tết hay khi rảnh rỗi, sân nhà của ông Phú lại vang lên những câu hát trữ tình đằm thắm, mượt mà, tươi sáng của làn điệu Páo dung; tiếng du dương, trầm bổng của kèn Pí Lè; rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng, chọe... Thế nên, cũng chẳng có gì là lạ khi các chàng trai, cô gái người Dao ở đây đều biết hát Páo dung, thổi vài điệu kèn Pí Lè, sử dụng thành thạo tiếng Dao...

Toàn tỉnh hiện có 17 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 11 nghệ nhân ưu tú và 2 nghệ nhân nhân dân được phong tặng. Xác định các nghệ nhân là hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các di sản trong cộng đồng, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 17 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 11 nghệ nhân ưu tú và 2 nghệ nhân nhân dân được phong tặng. Xác định các nghệ nhân là hạt nhân văn hóa tiêu biểu trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển các di sản trong cộng đồng, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa. Trong đó, tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc; tổ chức các hoạt động, tăng cường giao lưu cộng đồng, câu lạc bộ, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.

 

Theo nguồn Trần Liên/Langngheviet.com.vn

Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/tuyen-quang-nghe-nhan-voi-tam-huyet-gin-giu-di-san-van-hoa-29204.html 

Bình luận