Ứng phó sạt lở vùng ĐBSCL: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển
  • Home/
  • Tin tức/
  • Ứng phó sạt lở vùng ĐBSCL: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển
Tin tức

Ứng phó sạt lở vùng ĐBSCL: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển

TMO – Chính phủ yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành liên quan về tình trạng sạt lở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư). Chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Huy động nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của các địa phương, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương… cho công tác này.

Ứng phó sạt lở vùng ĐBSCL: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển

Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển. 

Qua thực tế, Thủ tướng chỉ rõ một số điểm nóng về sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cấp bách nhất tại 7 địa phương được khảo sát, yêu cầu các địa phương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) xem xét, quyết định để xử lý ngay, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Với 5 địa phương còn lại, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, lập dự án cụ thể, nghiên cứu cân đối, bố trí nguồn lực, trình cấp thẩm quyền quyết định hỗ trợ các địa phương xử lý sớm, hoàn thành trong tháng 8.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ TN&MT tiếp tục nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn (cần xác định rõ nguyên nhân đối với từng vấn đề, từng khu vực, nguyên nhân nào là chủ yếu để có giải pháp phù hợp đối với từng khu vực). Cùng với đó, làm tốt công tác quy hoạch; kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển có nguy cơ rủi ro; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn.

Ứng phó sạt lở vùng ĐBSCL: Kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng ven sông, biển

Đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn. 

Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở từ sớm, từ xa; xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới, tổng kết đánh giá các mô hình hay, cách làm tốt; chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, bán tín chỉ carbon…

Tại một số khu vực như mũi Cà Mau cần triển khai các dự án lớn, trọng điểm, bài bản; nghiên cứu triển khai giải pháp quai đê lấn biển tại những nơi có điều kiện phù hợp (vừa phát triển giao thông, vừa chắn sóng, chống sạt lở, xâm thực, vừa giữ được phù sa để lấn biển, phát triển được quỹ đất, không gian phát triển mới). Tiếp tục huy động các nguồn lực của Nhà nước và có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để đầu tư các công trình phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội. Tăng cường công tác truyền thông chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, một cuộc họp, một vài văn bản không thể giải quyết triệt để tình trạng này nhưng chúng ta phải làm, từng bước một, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Tinh thần là quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.../.

THANH BÌNH

Theo thiennhienmoitruong.vn

https://thiennhienmoitruong.vn/ung-pho-sat-lo-vung-dbscl-kiem-soat-chat-che-cac-cong-trinh-xay-dung-ven-song-bien.html

Bình luận