Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế từ thế mạnh địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới
  • Home/
  • Tin tức/
  • Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế từ thế mạnh địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới
Tin tức

Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế từ thế mạnh địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới

Xác định phát triển kinh tế là động lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nguyệt Đức (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã triển khai nhiều giải pháp để khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế từ thế mạnh địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới

Mô hình nuôi gia cầm kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình ông Tạ Quang Quỳnh, thôn Đinh Xá 4, xã Nguyệt Đức cho thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Dương Hà

Sản xuất nông nghiệp là một trong những thế mạnh của địa phương, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong sản xuất lúa, xã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tăng diện tích các giống lúa chất lượng cao như TBR225; ADI28, Hà Phát 3, Tân Ưu 98…

Đồng thời, áp dụng phương pháp gieo cấy theo hiệu ứng hàng biên để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Hiện, tỷ lệ gieo cấy theo hiệu ứng hàng biên của xã đạt hơn 90%. Qua đánh giá, việc gieo cấy này đã giúp bà con giảm được khoảng 50% chi phí về giống, 70% thuốc bảo vệ thực vật; năng suất tăng khoảng 20% so với phương pháp thông thường.

Ngoài cây lúa, xã vận động bà con chú trọng mở rộng diện tích rau màu và những cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao; thực hiện các biện pháp luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại rau màu. Hiện, diện tích trồng rau màu của xã đã được luân canh, tăng vụ từ 4 - 5 lần/năm, với các cây trồng chính là các loại rau ăn lá, ớt, dưa, bí đỏ…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, xã khuyến khích bà con khai thác những tiềm năng, thế mạnh để phát triển các mô hình trang trại, gia trại, kết hợp chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Nguyễn Hữu Hởi cho biết: Hằng năm, xã phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Tập trung làm tốt công tác thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Để giúp người dân mở rộng quy mô trang trại, gia trại, xã quy hoạch 2 khu chăn nuôi tập trung ở khu Đồng Lắng, làng Đinh Xá và khu Đồng Rùa, Đồng Lĩnh, làng Nghinh Tiên, với tổng diện tích hơn 36 ha.

Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể ở địa phương đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội để nông dân vay vốn đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất. Đến nay, toàn xã đã có hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Phát huy lợi thế có tỉnh lộ 303 chạy qua, xã còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ. Hiện, trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp sản xuất bao bì; làng nghề bện dây thừng thôn Nghinh Tiên được duy trì hiệu quả.

Nhiều ngành nghề khác như mộc, cơ khí, may mặc, làm bánh… có hướng phát triển ổn định, giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng sự nỗ lực của người dân địa phương, kinh tế của xã Nguyệt Đức có nhiều khởi sắc. 9 tháng năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã đạt gần 400 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 69 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1%.

Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng NTM của địa phương. Năm 2022, xã Nguyệt Đức được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện, xã đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu, liên quan đến xây dựng NTM, xã Nguyệt Đức tiếp tục chỉ đạo các giải pháp phát triển kinh tế; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo nguồn Thanh Huyền/Langngheviet.com.vn

Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/vinh-phuc-phat-trien-kinh-te-tu-the-manh-dia-phuong-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-28931.html 

Bình luận