​Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
  • Home/
  • Tin tức/
  • ​Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất
Tin tức

​Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Sông Lô tích cực chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng, gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chuyển đổi đúng hướng đem lại thu nhập cao cho người dân

Sông Lô là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc có thế mạnh về phát triển kinh tế nông lâm kết hợp. Từ chủ trương, chính sách của tỉnh, sự chỉ đạo của huyện, những năm qua, người dân trên địa bàn đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế. 

Tại xã Cao Phong, Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Khổng Văn Thạch đã xây dựng hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cách đây 5 năm, gia đình ông Thạch có khoảng 1.500m2 vườn tạp, trồng một số loại cây năng suất kém. Sau đó, ông bắt đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng bưởi diễn và bưởi da xanh cho giá trị kinh tế cao. Ông trồng thử nghiệm với 120 cây bưởi, với không khí và thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng tốt, quả thu hoạch được người mua ưa thích nên giá bán cao. 
 

 ​Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Vườn bưởi sai trĩu quả của gia đình ông Khổng Văn Thạch


Được biết, trong những năm đầu trồng bưởi, ông Thạch không lấy quả mà chỉ tập trung nuôi cây. Đồng thời, ông tiếp tục học hỏi qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức và tìm tòi quy trình chăm sóc qua sách báo, ti vi để tự mình đúc rút kinh nghiệm chăm sóc cây. Trong quá trình trồng bưởi, ông thường xuyên thăm vườn, chăm sóc kỹ lưỡng cho cây từ lúc cây mới ra hoa, đồng thời vun gốc, bón phân, tỉa cành, tỉa quả. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương khá thích hợp nên đến năm thứ 3, vườn bưởi sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch những quả bưởi to, căng tròn.

Không chỉ chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng cây bưởi, ông Thạch tiếp tục sử dụng phần diện tích đất bãi của gia đình để trồng 200 gốc chuối tiêu hồng. Năng suất, sản lượng của chuối tiêu hồng tương đối ổn định, cây nào cũng cho quả, không lo mất mùa như những loại cây trồng khác. Khi quả chín có màu vàng sáng, hương vị thơm ngon, mẫu mã đẹp hơn so với nhiều giống chuối thông thường, được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào dịp lễ, Tết. Nhờ linh hoạt, sáng tạo, tận dụng tối đa diện tích đất canh tác kém hiệu quả mà mô hình trồng bưởi và trồng chuối của gia đình ông đem lại tổng thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Khổng Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Phong cho biết: Mô hình của gia đình ông Khổng Văn Thạch là mô hình điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích vườn tạp, đất canh tác kém hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Thời gian tới, đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, xã khuyến khích người dân chuyển đổi đất sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, cũng như nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, hướng đến nền sản xuất hàng hóa, tạo tiền đề để địa phương nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Vẫn còn nhiều thách thức cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Sông Lô luôn bám sát nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch nâng tỷ trọng trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, chuyển diện tích đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình đột phá trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, mang lại hiệu quả thực tế, nâng cao thu nhập cho đời sống nhân dân như ổi xã Đôn Nhân, chuối xã Cao Phong…

​Chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất 

Sản phẩm Ổi Đôn Nhân được đăng ký thương hiệu hàng hóa đặc sản cho sản phẩm nông nghiệp của huyện Sông Lô


Trong chăn nuôi, đáng chú ý là mô hình nuôi bò vỗ béo xã Cao Phong, nuôi lợn nái tại các xã Lãng Công, Hải Lựu, Đồng Quế…, mô hình nuôi gà thương phẩm tại các xã Phương Khoan, Quang Yên, thị trấn Tam Sơn…
Đến nay trên 90% diện tích canh tác được cơ giới hóa trong khâu làm đất, trên 80% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy. Trồng trọt bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Hiện tại, trên địa bàn huyện có sản phẩm hàng hóa nông nghiệp là ổi Đôn Nhân được đăng ký thương hiệu hàng hóa đặc sản cho sản phẩm nông nghiệp của huyện và một số sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP Vĩnh Phúc. Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân.

Tuy nhiên, nhìn chung tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm. Tiềm năng, lợi thế ở một số xã chưa được khai thác, huy động…Công tác dồn thửa, đổi ruộng, tích tụ đất đai để hình thành các vùng sản xuất tập trung trong trồng trọt và chăn nuôi còn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến việc đưa tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất và sản xuất theo chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ…

Để giải quyết những khó khăn trên, trong thời gian tới huyện Sông Lô tiếp tục tập trung đầu tư khai thác và tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản là thế mạnh của huyện theo hình thức gia trại, trang trại gắn với tổ chức kinh tế hợp tác phù hợp, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từng ngành hàng nông, thủy sản; tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia (VietGAP). Liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường….

Đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tiếp tục phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, của nhà nước về tầm quan trọng trong việc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các ngành, các xã, thị trấn và người dân./.

Tường Vân

Theo langngheviet.com.vn

https://langngheviet.com.vn/tin-tuc-nong-thon-moi/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-san-xuat.html34641

 

 

Bình luận