Phản ứng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về báo cáo của Việt Nam
  • Home/
  • Tin tức/
  • Phản ứng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về báo cáo của Việt Nam
Tin tức

Phản ứng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về báo cáo của Việt Nam

Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, phái đoàn Việt Nam đã công bố kết quả định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền và nêu nỗ lực trong việc giúp người dân phục hồi sau bão Yagi. Về báo cáo này của đại diện chính quyền Hà Nội, tổ chức duy trì hòa bình và an ninh quốc tế nói gì?

Theo thông tin từ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights), Kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Council, viết tắt: UNHRC) diễn ra từ ngày 9/9 - 11/10. Với chủ đề “Tăng cường lồng ghép giới trong các cuộc điều tra về nhân quyền: Quan điểm lấy nạn nhân làm trung tâm”, đại diện các nước tham gia cuộc họp sẽ tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng.

Phản ứng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về báo cáo của Việt Nam.jpg

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Nguồn: Facebook “UN Human Rights Council”)

Bao gồm: Thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh giải quyết bất bình đẳng; Giáo dục chất lượng vì hòa bình và lòng khoan dung cho mọi trẻ em; Hội thảo chuyên đề hai năm một lần về quyền phát triển; Nghĩa vụ của các quốc gia về vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ quyền con người của các thành viên trong gia đình; Quyền của người dân bản địa; Quan điểm giới trong toàn bộ công việc của UNHRC và các cơ chế khác.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại (Việt Nam), tại kỳ họp lần này, chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt làm Trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước này tại Liên Hợp Quốc, đại diện Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization) và các tổ chức quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) cùng đại diện một số Bộ, ngành liên quan.

Trong phiên họp ngày 27/9, Cục Thông tin đối ngoại (Authority of external information) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Ministry of Information and Communications) Việt Nam trích dẫn phát biểu của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt trình bày lập trường về các khuyến nghị được đưa ra trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (universal periodic review, viết tắt: UPR) chu kỳ IV tại phiên đối thoại tháng 5/2024.

Phản ứng của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về báo cáo của Việt Nam.jpg

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt (Nguồn: Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Định nghĩa từ UNHRC, UPR là một quá trình độc đáo liên quan đến việc đánh giá định kỳ hồ sơ nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây là sáng kiến quan trọng của Hội đồng dựa trên sự đối xử bình đẳng cho tất cả các quốc gia.

Truyền thông Việt Nam (Vietnam+) cho biết, chính quyền Hà Nội chấp thuận 271 trong số 320 khuyến nghị do các quốc gia đưa ra tại phiên đối thoại tháng 5. Đồng thời, tái khẳng định cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, cũng như tôn trọng cơ chế UPR của UNHRC.

Trong bản cập nhật gửi UNHRC về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh nỗ lực của nước này liên quan đến quyền con người và quyền công dân. Bao gồm một số tiến bộ đáng kể trong bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ, bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, ân xá tù nhân,... Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, đại diện Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế tích cực và ổn định cùng với việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. 

Cũng theo Cục Thông tin đối ngoại (Việt Nam), trước báo cáo về tình hình nhân quyền và UPR của chính quyền Hà Nội, đại diện nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã chia buồn về những mất mát, thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình UPR trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức hậu đại dịch, biến đổi khí hậu. Các đại biểu cũng ghi nhận tiến bộ của nước này trên phương diện hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Một số quốc gia thành viên khuyến khích Việt Nam phát huy kinh nghiệm và thực tiễn trong thực hiện UPR. Nhiều tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh được tạo điều kiện tham gia đóng góp vào tiến trình UPR tại Việt Nam, chia sẻ rằng thông qua việc tham gia UPR, nhiều đề xuất đã được Nội các chính quyền Hà Nội chấp nhận và đi vào thực tiễn.

Về phía UNHRC, Hội đồng nhất trí thông qua kết quả báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam. Điều này đánh dấu việc hoàn thành đánh giá chu kỳ IV liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và chuyển sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị.

Tony Nguyen

 

Bình luận