TMO – Tỉ lệ che phủ rừng và diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh, áp lực từ phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu không ngừng gia tăng khiến vùng Tây Nguyên đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước vào năm 2030 nếu không có giải pháp căn cơ.
Theo các chuyên gia, khu vực Tây Nguyên có khoảng 1,8 triệu ha đất đang bị suy thoái, giảm chức năng sản xuất. Nguồn lực đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được sử dụng hiệu quả, xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm; tình trạng đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất tiếp tục phát sinh. Bên cạnh đó, Tây Nguyên là nơi khởi nguồn của các con sông lớn chảy xuống đồng bằng ven biển miền Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia như sông Mekông, sông Đồng Nai, sông Ba, sông SêSan, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc với trữ năng thủy điện chiếm 21% cả nước (chỉ sau vùng Tây Bắc).
Tuy nhiên, nguồn nước đang đứng trước tình trạng suy giảm nghiêm trọng kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hạn hán gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân nơi đây. Các chuyên gia cho rằng, nếu không có các giải pháp quy hoạch, bảo vệ nguồn nước, trữ nước; dự kiến đến năm 2030 Tây Nguyên sẽ thiếu 5,5 tỷ m3 nước/năm. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng. Vì vậy, thách thức về môi trường cần phải quan tâm giải quyết một cách căn cơ.
Triển khai các giải pháp ứng phó nguy cơ thiếu nước ở vùng Tây Nguyên. Ảnh minh họa.
Đánh thức các tiềm năng lợi thế để phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết 23-NQ/TW của Trung ương với các quan điểm, định hướng quyết sách tổng thể, trong đó nhấn mạnh yêu cầu xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh. Phát triển dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Bảo vệ, phục hồi môi trường đi đôi với sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản.
Để chuyển hoá được các thách thức, tận dụng các cơ hội cho phát triển vùng Tây Nguyên theo các mục tiêu của Nghị quyết trong quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động trong bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện các giải pháp căn cơ, trong đó chú trọng đến nhu cầu đất ở, đất sản xuất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật đất đai 2013 sẽ tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiến tạo động lực mới cho phát triển. Trong đó, nhiều điểm mới của Luật đất đai sửa đổi sẽ có tác động đến vùng Tây Nguyên như việc hoàn thiện quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất gắn với bảo vệ và phát triển rừng; sử dụng đất đa mục đích, kết hợp phát triển cây dược liệu, du lịch nghỉ dưỡng gắn với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất để sản xuất không chỉ trong nông nghiệp mà trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sinh kế, phù hợp với tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực tế quỹ đất ở địa phương. Đặc biệt, việc hoàn thiện các quy định sẽ mang lại thay đổi lớn, như quy định cho thuê đất hàng năm, miễn hoàn toàn tiền thuê đất đối với các trường hợp Nhà nước thực hiện chính sách đất đai đảm bảo tư liệu sản xuất cho đồng bào, ngăn ngừa tình trạng nhận đất hỗ trợ chuyển nhượng và tiếp tục di canh, di cư, phá rừng làm nương rẫy.
Để sử dụng quỹ đất tại Tây Nguyên có hiệu quả, cần thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; xác định diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp để xử lý, thu hồi giao cho đồng bào dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương và các chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả, phát huy lợi thế quỹ đất tập trung. Thực hiện các biện pháp kiên quyết để các doanh nghiệp phải thực hiện chuyển sang thuê đất, thu nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đảm bảo mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách.
Với vùng Tây Nguyên, các địa phương cần khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai cho phát triển cây công nghiệp lâu năm; quy hoạch phát triển chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế. Quy hoạch hệ thống đô thị, các khu công nghiệp, dịch vụ gắn kết theo các hướng tuyến giao thông; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư hạ tầng, tạo sức lan tỏa; kết nối không gian phát triển với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hệ thống cảng biển. Cùng với đó, tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý tranh chấp, khiếu nại giải quyết dứt điểm các tồn đọng về tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, quản lý đến từng thửa đất.
Là nơi khởi nguồn của các con sông lớn chảy xuống đồng bằng ven biển miền Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Campuchia, quản lý nguồn nước không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với phát triển vùng Tây Nguyên mà còn tác động đến phát triển vùng duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam Bộ. Các chuyên gia cho rằng cần thực hiện các giải pháp tăng cường bảo vệ, quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông gắn với các cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các địa phương ở thượng lưu và các địa phương ở hạ du được hưởng các lợi ích trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, cần giải quyết căn cơ tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực Tây Nguyên thông qua quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Sê San, sông SrePok, sông Đồng Nai, sông Ba; phát triển các công trình trữ nước, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa phù hợp theo mùa để điều hòa phân bổ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phát triển công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm cho cây trồng cạn gắn với nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Tây Nguyên cũng là vùng đất được đánh giá cao về tiềm năng địa chất, khoáng sản. Vì vậy, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản địa chất, hang động núi lửa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của các địa phương.
Theo các chuyên gia, để thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ở góc độ quản lý nhà nước, cần thực hiện phân vùng môi trường; thiết lập các cơ chế kiểm soát, thu hút đầu tư dựa trên công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. Với vùng Tây Nguyên, phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn; thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cũng là một hướng đi đúng đắn.
Bên cạnh đó, Tây nguyên có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo cần được khai thác hiệu quả. Tây Nguyên cũng cần hướng đến triển khai các cơ chế thí điểm mua bán tín chỉ carbon; cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên theo Luật bảo vệ môi trường năm 2020; phát triển kinh tế rừng, bảo vệ các khu rừng đặc dụng hiện có, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên giàu tính đa dạng sinh học như Ngọc Linh, Yok Đôn, Chư Yang Shin, Bi Đoúp, Núi Bà, Chư Mo Rây...; tăng cường phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt các lưu vực các sông lớn (sông Sê San, sông Ba, sông Sêrêpok, sông EaH’leo, sông Re, sông Hinh, sông Đổng Nai, Đa Nhim...) và các hồ, đập thủy lợi - thủy điện (như Ialy, Pley Krông, Đa Nhim, Sê San, A Yun Pa, Ea Súp, Đại Ninh...).
QUỐC DŨNG
Theo thiennhienmoitruong.vn
https://thiennhienmoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-va-ung-pho-nguy-co-thieu-nuoc-o-vung-tay-nguyen.html
Bình luận