Bình Nhưỡng mới đây đã lên tiếng cảnh báo đến Nhóm giám sát các biện pháp trừng phạt toàn cầu - tổ chức được thành lập bởi Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia khác để ứng phó trước đe dọa từ Triều Tiên.
Vào ngày 16/10 (giờ địa phương), Văn phòng người phát ngôn (Office of the Spokesperson) Nhà Trắng thông báo, Chính phủ Hoa Kỳ, Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc và Vương quốc Anh vừa có tuyên bố chung nhân thành lập “Nhóm giám sát trừng phạt đa phương” (Multilateral Sanctions Monitoring Team, viết tắt: MSMT). Tổ chức này hoạt động dựa trên cơ chế duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, giải quyết đe dọa phát sinh từ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Tuyên bố của Nhà Trắng về thành lập “Nhóm giám sát trừng phạt đa phương” (Nguồn: White House)
Cũng theo Nhà Trắng, ý định ban đầu về việc thành lập MSMT được đưa ra sau khi “Ủy ban chuyên gia 1718” (1718 Committee Panel of Experts) thuộc Hội đồng Bảo an (Security Council) Liên hợp quốc (United Nations, viết tắt: UN) bị giải tán đầu năm nay. Đây là dự thảo do Hoa Kỳ soạn, đề nghị gia hạn nhiệm vụ cho những chuyên gia hỗ trợ Hội đồng giám sát các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Truyền thông trong nước và quốc tế cho biết, việc tiến hành bỏ phiếu thông qua cơ chế hoạt động cho Ủy ban chuyên gia 1718 diễn ra vào tháng 3/2024. Dự thảo giành được sự ủng hộ của 13/15 thành viên Hội đồng, với một phiếu chống từ Nga và phiếu trắng của Trung Quốc. Kết quả không được thông qua.
Theo Văn phòng người phát ngôn Nhà Trắng, mục tiêu của cơ chế MSMT mới là đảm bảo thực hiện đầy đủ, công bố thông tin những cuộc điều tra về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt và nỗ lực trốn tránh của Bình Nhưỡng đối với hạn chế từ UN.
Ngoài quan ngại về đe dọa vũ khí, ngày 18/10 vừa qua, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có buổi họp thúc đẩy tôn trọng nhân quyền ở Triều Tiên. Năm 2024 cũng là thời điểm đánh dấu kỷ niệm 10 năm Báo cáo của Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc về nhân quyền (United Nations Commission of Inquiry Report on Human Rights) ở Bình Nhưỡng. Báo cáo trên kết luận, hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn đang chống lại loài người, Nhà Trắng thông tin. Do đó, các bên tham gia khẳng định, cải thiện tình hình nhân quyền ở quốc gia này là không thể thiếu để đạt được hòa bình lâu dài.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (Nguồn: U.S. Embassy & Consulates in Japan)
Ở chiều hướng ngược lại, ngày 20/10 vừa qua (giờ châu Á), Bộ Ngoại giao Triều Tiên (조선민주주의인민공화국 외무성/Ministry of Foreign Affairs of the Democratic People's Republic of Korea) dẫn lời người đứng đầu - Bộ trưởng Choe Son Hui phản đối MSMT và các quốc gia liên quan. Đại diện cơ quan ngoại giao phía Bình Nhưỡng cho rằng, việc MSMT thay thế nhóm chuyên gia đã giám sát việc thực hiện nghị quyết trừng phạt của UN trong 10 năm qua, là hoàn toàn bất hợp pháp và phủ nhận Hiến chương UN.
Bắc Hàn cáo buộc chính quyền Washington, D.C vận động thế giới chống lại nước này, đồng thời cảnh báo hành động trên sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của một cấu trúc liên minh chống lại Hoa Kỳ. Triều Tiên xác định, Hoa Kỳ và Hàn Quốc - những nước dẫn đầu các biện pháp trừng phạt cũng như các quốc gia tích cực theo dõi và tham gia như: Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan,... sẽ phải trả giá.
Phản ứng cử Triều Tiên trước động thái gần đây của Hoa Kỳ và các nước (Nguồn: Ministry of Foreign Affairs of the Democratic People's Republic of Korea)
Kelvin Huynh