Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Việt Nam) ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ thiệt hại tài sản do bão số 3 (Yagi) gây ra tại Việt Nam khoảng 40.000 tỷ đồng và có thể khiến GDP cả nước trong năm 2024 giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 – 7% đưa ra vào cuối quý II.
Đây là báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra vào ngày 15/9, được chủ trì bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đây là hội nghị thứ 2 của Thường trực Chính phủ sau cơn bão. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết ở Việt Nam, cơn bão số 3 (Yagi) khiến 353 người chết và mất tích, khoảng 1.900 người bị thương. Đồng thời, chúng gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai. Nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ tổn thương.
Bên cạnh thiệt hại về người, bão số 3 gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại do bão Yagi gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng sập đổ, hư hại. 305 sự cố đê điều xảy ra, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên. Trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ. 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản hư hỏng, bị cuốn trôi. Gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm chết. Gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Nhiều tuyến đường ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) đình trệ cục bộ. Hàng loạt cơ sở du lịch, lưu trú hư hỏng buộc phải đóng cửa sửa chữa. Miền Bắc có thể sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9 năm nay đến tháng 4/2025) và cả khách trong nước. Đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng bị mất điện, thông tin liên lạc. Lao động và gia đình người lao động chịu ảnh hưởng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nguồn: VGP
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính sơ bộ tại 20/26 tỉnh, thành phố, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% dư nợ trên địa bàn). Trong đó có 11.700 khách hàng ở Quảng Ninh và Hải Phòng với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhận định tốc độ tăng trưởng nhiều địa phương và tốc độ tăng trưởng cả nước trong 6 tháng cuối năm sẽ chậm lại. Tăng trưởng GDP cả nước có thể giảm 0,35% trong quý 3 và giảm 0,22% trong quý 4 so với kịch bản không có cơn bão. Bộ trưởng ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đưa ra vào cuối quý II (6,8-7%). Cụ thể, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của những địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5%.
Viet Anh