Đó là tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Manet liên quan đến phản ứng trái chiều về Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Nguồn tin từ cơ quan Chính phủ và thực thi pháp luật nước này cho thấy, an ninh Campuchia gần đây đang được tăng cường nhằm ứng phó trước nguy cơ biểu tình.
Cơ quan thực thi pháp luật Campuchia tăng cường tuần tra an ninh nhằm ngăn chặn tình trạng biểu tình (Nguồn: Kampong Speu Provincial Police)
Theo thông tin từ Viện Kinh tế đang phát triển (Institute of Developing Economies) - tổ chức bán Chính phủ trực thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (Cambodia-Laos-Vietnam Development Triangle Area, viết tắt: CLV DTA) là hiệp định được Chính phủ 03 nước quyết định thành lập từ năm 2004.
Ban đầu, theo đề xuất từ năm 1999, tam giác phát triển này tập trung vào 07 tỉnh là Ratanak Kiri và Stung Treng (Campuchia); Attapeu và Sekong (Lào); Kon Tum, Đắk Lắk và Gia Lai (Việt Nam). Sau đó, hiệp định được mở rộng thành 10 tỉnh, với sự bổ sung thêm Mondol Kiri (Campuchia); Saravane (Lào) và Đắk Nông (Việt Nam).
Theo nhận định từ các chuyên gia tại Viện nghiên cứu phía Nhật Bản, tất cả các tỉnh này đều có địa hình, khí hậu và bối cảnh kinh tế xã hội tương tự nhau, mang lại tiềm năng lớn cho nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch, thương mại và các ngành liên quan.
Tại Hội nghị thượng đỉnh CLV DTA lần thứ IV được tổ chức tại Việt Nam tháng 12/2006, hiệp định này được các nước tham gia đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tiến bộ văn hóa, xã hội trong khu vực trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Trải qua nhiều lần họp xúc tiến, thông tin liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry, viết tắt: VCCI) vào năm 2016 ghi nhận, CLV DTA tiếp tục thay đổi phạm vi ảnh hưởng từ 10 lên đến 13 tỉnh. Trong đó, có thêm Bình Phước (Việt Nam); Champasak (Lào) và Kratie (Campuchia).
VCCI cũng như một số cơ quan truyền thông của Việt Nam nhận định, CLV DTA là khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng nghèo của 3 nước với các vùng còn lại của khu vực.
Trong khi đó, truyền thông Campuchia (Khmer Times) gần đây cho biết, quốc gia này lại đang chia rẽ sâu sắc vì nhiều nỗ lực phá hoại cùng cáo buộc chính phủ Phnom Penh dùng CLV DTA để nhượng lại chủ quyền quốc gia (ceding national sovereignty).
Báo chí Campuchia lưu ý rằng, các nền tảng truyền thông mạng xã hội đang được dùng làm công cụ kích động người dân. Chính phủ nước này phủ nhận kịch liệt, khẳng định thỏa thuận giữa ba nước không có bất kỳ điều khoản nào cho thấy sự trao đổi hoặc nhượng lãnh thổ.
Thông tin từ Đơn vị báo chí và phản ứng nhanh (អង្គភាពពត៌មាន និងប្រតិកម្មរហ័ស/Press and Quick Reaction Unit) của Chính phủ Campuchia đăng ngày 15/8 vừa qua, Thủ tướng nước này - ông Samdech Moha Bovorthipadi Hun Manet kêu gọi, người dân dù ủng hộ hay phản đối CLV DTA đều phải tuân thủ đường lối đối thoại. Đồng thời, không hành động gây tổn hại đến an ninh quốc gia, dẫn đến sự tan rã của Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet kêu gọi người dân không tranh cãi về CLV DTA vì có thể dẫn đến chia rẽ (Nguồn: Press and Quick Reaction Unit)
Động thái trên được Thủ tướng Hun Manet đưa ra nhằm trấn an dư luận sau khi ghi nhận nhiều vụ kích động không chỉ xảy ra trên không gian mạng mà đã trở thành biểu tình, xúi giục biểu tình.
Thông tin từ lực lượng Cảnh sát tỉnh Kampong Speu (ស្នងការដ្ឋាននគរបាលខេត្តកំពង់ស្ពឺ/Kampong Speu Provincial Police), từ ngày 9/8 đến nay, cơ quan này đã ghi nhận nhiều vụ đăng tải thông tin mang tính kích động, tập họp biểu tình, lấy lý do phản đối CLV DTA nhằm kích động lật đổ chính quyền.
Một trường hợp kêu gọi lật đổ chính quyền bị cảnh sát Campuchia bắt giữ (Nguồn: Kampong Speu Provincial Police)
Cũng trong ngày 9/8, một buổi phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này - bà Lok Chumteav Cham Nimul về CLV-DTA đã được Đài Truyền hình Quốc gia Campuchia phát sóng. Theo đó, Bộ trưởng Campuchia đã tiết lộ, vào cuối năm nay, nước này sẽ tổ chức một cuộc họp về CLV-DTA với các bên liên quan và dự kiến đặt mục tiêu đạt nhiều thành tựu mới.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Lok Chumteav Cham Nimul (Nguồn: ក្រសួងពាណិជ្ជកម្ម/Ministry Of Commerce)
Vào ngày 17/8, Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng có buổi phát sóng giải thích rằng, việc phát triển dự án này sẽ có lợi, mong người dân nước này không tin vào sự kích động từ một số ít kẻ cực đoan. Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cho biết, hơn 1.000 nhân viên an ninh Campuchia đã được triển khai tại thủ đô Phnom Penh cùng ngày nhằm ứng phó trước kế hoạch biểu tình chống Chính phủ do phe đối lập kêu gọi.
Kane Nguyen
Bình luận