Gặp lại mẹ sau ngày thống nhất
  • Home/
  • Bạn đọc/
  • Gặp lại mẹ sau ngày thống nhất
Bạn đọc

Gặp lại mẹ sau ngày thống nhất

Đại tá, phi công AHNLLVTNDVN Nguyễn Văn Nghĩa năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày tháng bảo vệ bầu trời Miền Bắc.

Gặp lại mẹ sau ngày thống nhất

Thưa đại tá, ông còn nhớ niềm vui của ngày đầu tiên gia nhập Không Quân Việt Nam:

Năm 1955 tôi theo cha tập kết ra Bắc. Trong quê còn mẹ và hai em nhỏ. Tôi hầu như không có tin tức của mẹ và các em. Chỉ mong có ngày trở về thăm mẹ và em. Những năm tháng là học trò trên đất Bắc, tôi ham đọc những câu chuyện về các phi công lừng danh của Không Quân nước Nga Xô Viết với những trận không chiến huyền thoại, hạ gục hàng chục phi cơ của Không quân phát xít Đức, mặc dù không thể hình dung được “Các cuộc đấu võ trên không” ấy ra làm sao? nhưng tôi rất say sưa với những kỳ tích của các phi công anh hùng Liên bang Xô viết thời đó, những năm 1941-1945. Như có một ma lực cuốn hút, khiến tôi vừa ngưỡng mộ vừa khâm phục và thầm ước: “Giá mà mình được làm phi công như họ” !

Có ngờ đâu ước mơ của tôi lại thành sự thật. Tháng 5 năm 1965 một đoàn cán bộ của Quân chủng Phòng không-Không quân về trường cấp III Cao Bá Quát để thực hiện đợt tuyển phi công. Thời gian này, tôi vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp cấp III phổ thông (Bây giờ là phổ thông Trung học) và thực hiện kỳ tuyển sinh đại học. Tất cả nam thanh niên từ lớp 8 đến lớp 10 đều được tham gia kỳ tuyển lựa phi công này. Kết thúc vòng sơ tuyển, có 4 người trong đó có tôi được tiếp tục vào vòng trong. Sau đó tôi lại tiếp tục trải qua nhiều vòng kiêm tra về tim mạch, thần kinh…

Ước mơ bay vào bầu trời, khiến tôi chần chừ với giấy báo trúng tuyển vào đại học An ninh, được đào tạo tại Cộng hòa dân chủ Đức. Tôi chờ đợi. Mười ngày sau, ngày 27 tháng 6 năm 1965, bất thình lình tôi nhận thông báo trúng tuyển phi công, do một anh cán bộ của Quân chủng Phòng không - Không quân về tận nhà trao quyết định. Tôi sung sướng đến tột độ, như muốn hét to lên “Trúng rồi!”. Có ngờ đâu cuộc đời và sự nghiệp của tôi lại được kết nối với bầu trời, làm bạn với những cánh én bạc, máy bay tiêm kích của Không Quân nhân dân Việt Nam từ ngày đó! Sự nghiệp binh nghiệp bầu trời bắt đầu.

Ông đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên như thế nào?

Những ngày nắng nóng, những đợt gió Lào trải khắp Vùng đất Khu 4, ra đến giáp Hà Nội. Chúng tôi vẫn như thường lệ, lặng lẽ sáng đi tối về, ngày hôm trước ở đất Thọ Xuân, ngày hôm sau ra Đa Phúc, hoặc vào sân bay dã chiến nào đó ở Khu 4. Sau ngày 16/4 hầu như phi công MiG 21 tập trung về các sân bay Đa Phúc, Kép, Gia Lâm, Yên Bái, Hòa lạc, Miếu môn… sẵn sàng cất cánh bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các địa danh cửa ngõ tiến về Hà Nội. Ngày 22/06/1972 Biên đội chúng tôi Nguyễn Văn Nghĩa và Nguyễn Văn Toàn được lệnh cơ động xuống sân bay Gia Lâm. Ngày 23/06/1972 - 9h45’ tại sân bay Gia Lâm, lệnh từ SCH cho Biên đội chúng tôi mở máy cất cánh. Sau khi lấy độ cao 8.000m, bay về hướng Hòa Bình, Sở chỉ huy liên tục thông báo số lượng, vị trí các tốp máy bay đối phương. Ở cự li khoảng 15km, tôi phát hiện đầu tiên là 4 chiếc F4, sau đó phát hiện thêm vài tốp khác nữa. Bốn chiếc vòng trong tách thành hai tốp nhỏ, kéo dài cự li chủ động tấn công vào chúng tôi, những chiếc còn lại yểm hộ vòng ngoài . Ưu thế trận đánh tất nhiên là bất lợi, tôi ra lệnh cho số 2 công kích vào 2 chiếc F4 phía sau bám theo tôi, còn tôi tấn công tốp F4 bên trái. Trong giây lát, bằng động tác kỹ thuật kịch liệt đã được tập luyện kỹ trên máy bay MiG 21, áp dụng “miếng võ gia truyền” vào thế đánh, tôi nhanh chóng đưa F4 vào bán cầu phía trước, làm chủ tình thế... Ở thời điểm có lợi nhất tôi nổ súng! Một “con ma” bốc cháy rơi tại chỗ …Đó chính là chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ mà tôi bắn rơi…Chiều hôm đó là một buổi chiều vui nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời lính bay của tôi. Tâm trạng ấy lấn chiếm hết mọi thứ trong cuộc sống riêng của tôi.

Gặp lại mẹ sau ngày thống nhất

Đại tá AHNLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa (sn 1946) quê Quảng Ngãi là phi công MIG-21 đạt đẳng cấp ACE (bắn rơi từ 5 chiếc trở lên). Năm 1992 ông chuyển sang làm Hiệu trưởng Trường Hàng Không VN. Năm 2017 ông được mời tham dự gặp gỡ các phi công Việt Nam và Mỹ từng là đối thủ của nhau trên bầu trời Bắc Việt Nam.

Xin ông kể về trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” mà ông đã bắn rơi chiếc F4

Trong mấy ngày đầu không quân ta xuất kích, tuy chưa bắn được máy bay Mỹ nhưng làm tản mát đội hình chiến thuật không quân Mỹ, tạo điều kiện bộ đội tên lửa lập công.

13h40 ngày 23/12 biên đội chúng tôi Nguyễn Văn Nghĩa- Lê Văn Kiên xuất kích từ Đa Phúc. Máy bay F4 lúc nhúc, bên phải bên trái. Tôi quật lên quật xuống tránh tên lửa không đối không, và tìm cách đưa đối thủ vào vòng ngắn. Căng thẳng vì áp lực toát mồ hôi. Máy bay chấn động vì tên lửa địch nổ rất gần. Tôi đưa một “Con Ma” vào vòng ngắm và nổ súng. Nghe tiếng số 2 reo “cháy rồi”. Chúng tôi mau lẹ vọt lên cao và trở về an toàn. Đây là chiếc F4 đầu tiên lực lượng không quân ta bắn rơi trong chiến dịch B52.

Ngày chiến thắng, trở về quê hương Quảng Ngãi thân yêu, ông có tin tức của người thân?

Tháng 5/1975 đất nước giải phóng, tôi dẫn đầu một phi đội 13 máy bay MiG21 bay từ Hà Nội vào hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa trong điều kiện không có dẫn đường, không Radar. Ngày 15/5/1975 chúng tôi bay diễu binh mừng chiến thắng trên bầu trời thành phố mang tên Bác. Ngày 2/6/1975 sau khi ổn định đơn vị, tôi được về tìm mẹ sau 22 năm xa cách. Suốt thời gian hai ngày trên đường, đau đáu trong lòng cầu mong sao cho mẹ còn sống và ao ước sớm gặp mẹ. Chiều 3/6/1975, tôi đã gặp lại mẹ trong mừng mừng, tủi tủi! Chỉ biết rằng lúc đó không có gì vui sướng, hạnh phúc khi mẹ tôi còn sống và tôi được ấp ủ trong vòng tay của bà. Ba ngày chung sống bên mẹ trong một túp lều, không giường, không chiếu, không chăn, không mùng nhưng vẫn thấy ấm áp và tràn đầy hạnh phúc vì được ở bên mẹ. Tuy nhiên nỗi buồn làm tôi đau xé tim gan rằng các em tôi đã hy sinh khi tuổi đời mới đang ở độ tuổi đôi mươi! Mẹ tôi ôm tôi khóc từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm vì một lẽ mừng tôi đã về và còn vì nỗi đau cào xé ruột gan bà vì hai em tôi không còn nữa. Trên đời này có lẽ không có tình nào thiêng liêng bằng tình mẫu tử! và chỉ có người mẹ mới có thể làm được những việc phi thường cho con cái. Mẹ kể: Em tôi là du kích hy sinh đã một tháng, mẹ tôi sợ mất xác, nửa đêm một thân, một mình lên mộ, đào và gói cái xác đang rữa trong chiếc tăng bộ đội, ôm em tôi về gần nhà để chôn. Hình ảnh đó thật hiếm có và quá phi thường, nhưng mẹ tôi đã làm được vì một lẽ mẹ tôi là một bà mẹ Việt Nam !

Ghi theo lời kể của Đại tá AHLLVTND Nguyễn Văn Nghĩa

Theo nguồn Thiên Việt/Langngheviet.com.vn

Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/gap-lai-me-sau-ngay-thong-nhat-29288.html 

Bình luận