Hát chầu văn – nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Việt
  • Home/
  • Văn hóa /
  • Hát chầu văn – nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Việt
Văn hóa

Hát chầu văn – nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Việt

Hát chầu văn hay hát văn, hát bóng là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam. Giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh.

Chính vì có mối liên quan mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu, nên muốn tìm hiểu về hát văn, mọi người cũng cần quan tâm những thần tích, thần phả các vị thánh. Bởi nội dung các bài hát văn thường tường thuật sự tích hình thành, ca ngợi công đức các thánh; bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn được ban ơn phù hộ từ những nhân thần có công với đất nước, các Thánh Mẫu, Quan lớn, Chầu bà, Ông Hoàng và các Cô, các Cậu trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Gắn liền các sự kiện lịch sử, địa danh nổi tiếng, lời dạy bảo của các bậc thánh nhân với người đang sống.  

Hát chầu văn – nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người VệtKhông khí vui tươi, nhộn nhịp của các con nhang, đệ tử trong buổi hầu thánh. Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ 

Nghệ thuật âm nhạc trở thành một thứ phương tiện vô cùng quan trọng để con người kết nối, giao tiếp với thánh thần. Vì thế hát văn là phần không thể thiếu trong nghi lễ hầu thánh. Đa phần các giá văn cổ của nghệ thuật hát chầu văn đều ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, bốn chữ. Chúng được lưu truyền trong dân gian thông qua lời hát trau chuốt, súc tích, trang nghiêm, mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh người Việt.

Các bài văn hát thường xắp xếp theo trình tự một câu chuyện bắt đầu từ xuất xứ đến tôn vinh công đức, kỳ tích của thánh và tôn. Giai điệu hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn trên nền phách độc đáo, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, vui tươi. Ở một số đoạn, mặc dù câu văn vần điệu, niêm luật không chặt chẽ, nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Do hát văn là một hình thức hát trong khi ngồi đồng, nên các làn điệu, lối hát, độ dài của câu ca, tiếng nhạc đều phụ thuộc vào diễn biến quá trình hầu đồng.

Trong đó, người hát văn được gọi với cái tên cung văn. Để hoàn thành tốt nghi lễ hát chầu văn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt, vừa chuyển lời, giọng và nhạc, thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Nhưng vẫn bảo đảm sự ăn khớp, sát vai của người ngồi đồng. Thế nên một thể hát cũng bao gồm nhiều dạng khác. Ví dụ như thể phú có phú dựng, phú chênh diễn tả tâm trạng vui, phú rầu diễn tả tâm trạng buồn. Khi thay đổi thể, âm nhạc sẽ chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Qua đó, mỗi người cung văn có dịp thể hiện tài năng riêng của mình.

Một dàn nhạc hát văn hầu đồng cơ bản cần có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống con, một cảnh đôi, một phách. Đặc biệt, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi giữ vai trò nòng cốt, tạo tính riêng biệt và đặc thù. Tuy nhiên, tùy theo địa phương hoặc hoàn cảnh hành lễ và yêu cầu của người hành lễ, người ta có thể thêm nhạc cụ khác. Điển hình như vào những buổi hát thờ quy mô lớn sẽ có thêm một cỗ trống lớn, chiêng, sáo, tiêu, đàn thập lục.

Hát chầu văn – nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của người Vệt Dàn nhạc hát văn phục vụ hầu thánh. Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ

Gắn liền với màu sắc phong phú trong tín ngưỡng của người Việt, nghệ thuật hát văn hình thành nên nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu vô cùng bài bản đa dạng. Chúng được quy ước để áp dụng một cách riêng biệt dựa trên cấp bậc từng vị thánh và phủ. Nhịp điệu, bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên không khí hưng phấn cao trong hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng. Đồng thời giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác, nhập thân với các vị thánh, kết hợp các yếu tố tâm linh, khiến con người thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.

Bên cạnh ba hệ thống làn điệu riêng - Cờn, Dọc, Xá, hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ thể loại dân ca, nhạc cổ khác như: ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Từ đó, xây dựng nên các làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn lưu không (đoạn nhạc không lời). Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng khác nhau. Bao gồm 14 điệu (lối hát): Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm, Xá và Dồn

Trong nhịp sống đương đại, nghệ thuật hát chầu văn ngày càng khẳng định vị thế khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật truyền thống của người dân nâng cao. Thông qua, chất thơ tuyệt đỉnh hòa trong không khí tâm linh thành kính, kết hợp cùng dàn nhạc rộn ràng, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh qua người hầu đồng. Tất cả đã tạo nên một hình thức diễn xướng không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghi lễ mà còn có thể công diễn trước quần chúng như một thể loại ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh.

Với những giá trị nghệ thuật độc đáo ấy, nghi lễ chầu văn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012. Đây là thành tố quan trọng góp phần đưa “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm 2016.

Trang Thanh

Bình luận