Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp
  • Home/
  • Tin tức/
  • Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp
Tin tức

Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp

TMO - Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp được thành lập và tham gia nhập khẩu khí N2O. Song song đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện và ghi nhận không ít trường hợp nhập khẩu, kinh doanh sai mục đích loại khí này. 

Nhiều cơ sở kinh doanh sai mục đích, trái phép bị xử phạt

Trước đó, Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường đã có bài viết “Liệu đã đánh giá đúng về mức độ nguy hại của phát thải N2O (?)” đề cập đến một số ứng dụng của khí N2O trong công nghiệp, y tế, thực phẩm. Khí N2O là hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp theo Luật Hóa chất 2007 và Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017. Do đó, việc nhập khẩu, kinh doanh loại khí này cần được các ngành chức năng có thẩm quyền cấp phép. Theo tìm hiểu của phóng viên, để nhập khẩu loại khí này cần có các loại Giấy phép như: Giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất có điều kiện (được cấp bởi Sở Công thương) và Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (được cấp bởi Cục hóa chất, Bộ Công Thương).

Tuy nhiên, việc sử dụng khí N2O không đúng mục đích ghi trong giấy phép, ngoài tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường (rò rỉ trong quá trình san chiết) còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng (san chiết làm “bóng cười”). Được biết, ngày 29/5/2019, Bộ Y tế đã có công văn số 2954/BYT-KCB gửi UBND TP Hà Nội, cho biết hiện tại, “Bộ Y tế chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O” và “khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sử dụng trực tiếp ở người”.

Mặc dù nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo, kiểm tra và xử lý những trường hợp vi phạm, vẫn có dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh, sử dụng khí N2O vẫn diễn ra phức tạp, khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến khí N2O đã chặt chẽ hay chưa (?) trong khi thực tế cho thấy không ít đối tượng bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trong sử dụng khí N2O trong đó có dấu hiệu biến tướng sang hình thức “bóng cười”, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng và nguy cơ làm gia tăng phát thải khí nhà kính.

Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp

Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp

Hình ảnh những quả bóng cười theo đó cũng xuất hiện nhiều trong các quán bar, vũ trường (Nguồn: TH). 

Vẫn tiếp tục hoạt động nhập khẩu dù đã bị xử phạt vi phạm

Ngày 22/9/2019, Cục Hải quan Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội buôn lậu, cụ thể là nhập khẩu khí cười (N2O) xảy ra tại cảng Hải Phòng đối với Công ty CP thương mại hóa chất Hoa Việt (trụ sở phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội).

Tiếp đến, ngày 21/1/2021, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Hóc Môn đã phối hợp Đội QLTT số 18, thuộc Cục QLTT TP.HCM kiểm tra, lập biên bản vi phạm Công ty Cổ phần Công nghệ bán dẫn NNO Plus. Nguyên nhân vì doanh nghiệp này lưu trữ, hoạt động kinh doanh khí N2O không đúng theo địa điểm ghi trong giấy phép. Ngày 23/4/2022, lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng đã phát hiện, bắt giữ một số cơ sở sang chiết, nạp hàng ngàn bình khí cười chuẩn bị đem đi tiêu thụ. Cũng liên quan đến sản xuất, buôn bán khí cười, cùng thời điểm tại Đà Nẵng, công an đã phát hiện 2 ô tô tải chở tới 223 bình khí cười, đang chuẩn bị tung ra thị trường tiêu thụ.

Ngày 31/5/2022, Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng Nguyễn vì kho san chiết tại xã Long An của đơn vị này chưa được cơ quan chức năng chấp thuận về chủ trương đầu tư, thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC, bảo vệ môi trường. Nhà xưởng và bồn chứa (khí) chưa đáp ứng các điều kiện về mặt hóa chất. Vị trí bồn chứa xây dựng nhà kho phía trên đất trồng lúa, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Ngày 7/9/2022, Công an Quận 1 (TP.HCM) phát hiện 3 kho chứa khí N2O với quy mô lớn tại tại Quận 4 và huyện Nhà Bè thuộc sở hữu của Đinh Thành Duy. Làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng này thừa nhận thuê các kho hàng để cất giữ các bình kim loại chứa khí N2O nhằm đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tháng 2/2023, Công an TP Hà Nội liên tục phát hiện, bắt giữ các cơ sở kinh doanh, kho chứa khí N2O không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tháng 3/2023, Công an Đà Nẵng đồng loạt ra quân đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến shisha, bóng cười trên địa bàn thành phố. Thời điểm kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp đến các quán bar, karaoke, vũ trường sử dụng shisha, bóng cười.

Hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N2O diễn biến phức tạp

Cơ quan chức năng đã xử lý hàng loạt vụ lưu trữ, san chiết, kinh doanh khí N2O làm bóng cười (Nguồn: CAND). 

Điều đáng nói ở đây là những công ty từng bị xử phạt như Công ty CP thương mại hóa chất Hoa Việt, Công ty Cổ phần Công nghệ bán dẫn NNO Plus, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng Nguyễn vẫn tiếp tục nhập khẩu, kinh doanh khí N2O với khối lượng có thể lên đến hàng chục tấn mỗi tháng. Việc này khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh, sử dụng khí N20 đã chặt chẽ hay chưa (?)

Bên cạnh những doanh nghiệp nhập khẩu xuyên suốt như Công ty CP thương mại hóa chất Hoa Việt; Công ty Cổ phần Công nghệ bán dẫn NNO Plus; Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng Nguyễn; Công Ty TNHH Thương Mại Khí Công Nghiệp; Công ty TNHH Novigas; Công Ty TNHH Thực Phẩm Tường Phong; Công Ty TNHH Thế Ngữ; Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kim Việt Phát;… Theo tìm hiểu của Phóng viên, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, một số doanh nghiệp mới tham gia nhập khẩu khí N2O, có thể kể đến như: Công ty TNHH Hữu Sắc; Công Ty TNHH Hữu Đôn; Công Ty TNHH Thương Mại Xuất Nhập Khẩu Khánh Thủy; Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Hải Trung Anh; Công Ty TNHH Thương Mại và Dịch Vụ Kỹ Thuật Tân Long;…

Có thể thấy, hoạt động kinh doanh khí N2O vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta mới chỉ quan tâm đến tác động trực tiếp của khí N2O đến sức khỏe con người mà chưa đánh giá đúng mức về mức về tác động đến môi trường của loại khí này. Đa số trường hợp vi phạm đều bị xử phạt vì kho lưu trữ không có giấy phép hoạt động, chưa được đăng ký, không đủ điều kiện san chiết, cũng như thiếu đánh giá tác động môi trường, an toàn PCCC,… Theo các chuyên gia về môi trường, bất cứ nguồn khí N2O nào nếu thải ra bên ngoài đều thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu (bao gồm việc san chiết khí N2O vào các bình chứa phục vụ cho mục đích khác nhau).

Không chỉ các doanh nghiệp cũ mà ngày càng xuất hiện không ít doanh nghiệp mới tham gia thị trường nhập khẩu các loại khí nói chung và khí N2O nói riêng. Câu hỏi đặt ra, các đơn vị này đang được quản lý như thế nào, hoạt động kinh doanh có đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường hay không, đã đúng với mục đích sử dụng hay chưa...và nếu vi phạm trong hoạt động kinh doanh, sử dụng loại khí này thì trách nhiệm thuộc về ai (?)

 Nhóm PV

Bình luận