Kiên Giang: Hiệu quả kinh tế trồng cây sen
  • Home/
  • Tin tức/
  • Kiên Giang: Hiệu quả kinh tế trồng cây sen
Tin tức

Kiên Giang: Hiệu quả kinh tế trồng cây sen

Tỉnh Kiên Giang có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó lúa là cây có diện tích lớn nhất. Thế nhưng, do sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ và tự phát, nên hiệu quả kinh tế không cao. Bình quân mỗi hộ chỉ có 1 ha, hộ nào kha khá cũng chỉ 2 đến 3 ha, nên điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” liên tục xảy ra.

Với mong muốn mang lại thu nhập cao hơn, những người nông dân ở xã Hoà Lợi, huyện Giồng Riềng đã mạnh dạn tìm kiếm các loại cây trồng khác để thay thế, nhất là trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Trong đó, mô hình trồng sen lấy gương đã và đang phát huy được những ưu điểm nổi bật, như: Dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định... Nhờ trồng sen, không ít hộ nông dân trên địa bàn đã tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Trường hợp gia đình anh Lý Thành Đô, ở ấp Hoà Hiệp, xã Hoà Lợi, huyện Giồng Riềng là một ví dụ. Được biết, trước đây gia đình anh chủ yếu canh tác lúa, nhưng nguồn thu nhập mang lại không cao. Nguyên nhân là do đây vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập úng do mực nước dâng cao làm ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Trước khó khăn này, anh Đô quyết định chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
 

 Kiên Giang: Hiệu quả kinh tế trồng cây sen


Anh Đô chia sẻ: “Mấy năm gần đây, tôi nhận thấy chi phí sản xuất lúa mỗi năm cứ tăng thêm mà sản lượng sụt giảm. Đối với vụ lúa Hè Thu và Thu Đông, năng suất không cao, trong khi đó chi phí đầu tư cho vụ mùa sản xuất khá nhiều nên thu nhập rất bấp bênh. Thấy nhiều nơi trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển sang loại cây trồng này”

Được biết, sau hơn 2 năm gắn bó với cây sen, anh Đô đánh giá đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh và không tốn quá nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, loại cây trồng này rất thích hợp với những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau nên có thể canh tác liên tục trong năm. Theo anh Đô, trước khi xuống giống phải làm đất kỹ rồi mới cho nước vào để xuống giống. Tùy theo kỹ thuật từng người mà mật độ gieo trồng khác nhau, từ 200-300 bụi/công. Sau mỗi đợt thu hoạch, chỉ cần làm lại đất, có thể tiến hành trồng lại vụ sau. Đặc biệt, có thể sử dụng cây sen vụ trước nên không phải tốn chi phí mua giống trong các vụ kế tiếp.

Trong quá trình canh tác, chỉ cần bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật 1-2 lần/vụ, do đó chi phí đầu tư cho trồng sen thấp hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác. Anh Đô cho biết, sen cho năng suất bình quân 700-800kg gương mỗi công (1.000m²). Giá mặt hàng này tương đối ổn định, từ 12.000 -15.000 đồng/kg. Đặc biệt có những thời điểm, giá gương sen tăng lên 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư chỉ vào khoảng 1 triệu đồng/công. Với diện tích 2 ha của gia đình, trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 100.000.000 đồng/vụ.

Có thể thấy, việc chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sen đã góp phần đa dạng hóa nguồn sản phẩm nông nghiệp của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đồng thời, mô hình này còn góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập 150.000-300.000 đồng/người/ngày.

Bài, ảnh: Hải Minh

Theo langngheviet.com.vn

\https://langngheviet.com.vn/khuyen-nong/kien-giang-hieu-qua-kinh-te-trong-cay-sen.html34199

 

 

 

 

Bình luận