Kiên Giang: Hoạt động du lịch trải nghiệm Làng nghề
  • Home/
  • Tin tức/
  • Kiên Giang: Hoạt động du lịch trải nghiệm Làng nghề
Tin tức

Kiên Giang: Hoạt động du lịch trải nghiệm Làng nghề

UBND tỉnh Kiên Giang xác định phương hướng phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch sẽ tạo động lực phát triển bền vững cho các làng nghề địa phương trong thời gian tới.

Kiên Giang: Hoạt động du lịch trải nghiệm Làng nghề
Nhiều du khách khi đến tham quan đất đảo thể hiện sự quan tâm đến hoạt động sản xuất nước mắm 

Hiện nay, nhiều hoạt động du lịch khám phá làng nghề tại tỉnh Kiên Giang như chế biến mắm ruốc (huyện Kiên Lương), nước mắm (thành phố Phú Quốc), làm nồi đất (huyện Hòn Đất),… đang góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân, tạo hướng đi bền vững đối với làng nghề, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Bà Trương Thị Ánh Tuyết, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức 1 (thành phố Phú Quốc) cho biết, làm nước mắm vốn là nghề nghiệp truyền đời của gia đình. Công việc không chỉ giúp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào (thủy sản, muối biển) mà còn nuôi sống gia đình bà suốt gần 6 thế hệ. Qua thời gian, bên cạnh việc được xem là nước chấm phổ biến trong mâm cơm hàng ngày, mặt hàng này cũng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút mọi người đến tham quan miền đất đảo. Do đó, bà Tuyết cùng một số hộ dân sản xuất kinh doanh nước mắm trên địa bàn khẳng định, để danh tiếng Phú Quốc vang xa hơn nữa, hoạt động trải nghiệm nghề và tìm hiểu cách thức chế biến, câu chuyện xung quanh sản phẩm. 

Kiên Giang: Hoạt động du lịch trải nghiệm Làng nghề
Vườn tiêu Phú Quốc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái 

Cùng chung suy nghĩ này, Giám đốc Công ty TNHH SX chế biến nước mắm Hưng Thành Đinh Quang Thiều chia sẻ, vào ngày 27/5/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghề làm nước mắm Phú Quốc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm hãnh diện của bà con đất đảo nói chung cũng như người theo nghề nói riêng. Việc cải tiến chất lượng các điểm du lịch làng nghề đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bắt kịp xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

Ngoài nghề làm nước mắm, thành phố Phú Quốc còn có nhiều nghề đặc sắc, giàu tiềm năng kết nối du lịch như chế biến rượu sim, nuôi ngọc trai, trồng hồ tiêu… Tuy nhiên, việc kết hợp du lịch gắn kết tiêu thụ sản phẩm nhìn chung chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân vì cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng nhu cầu tham quan, nguồn nhân lực thiếu hụt khiến số lượng đầu ra sản phẩm nghề thủ công không đảm bảo, thu nhập người làm nghề vì thế cũng trở nên bấp bênh khi thương hiệu chưa đủ tiếng vang. 

Hiện nay, Kiên Giang đang có 38 nghề, 2 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu tới năm 2025, Kiên Giang hướng đến có 8 làng nghề truyền thống đưa vào khai thác du lịch. Đồng thời, vào năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục phấn đấu tổ chức hoạt động lữ hành cho 22 làng nghề truyền thống. 

Theo đề án trên, UBND tỉnh yêu cầu đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch tích cực hỗ trợ người làm nghề gắn bó với công việc và đẩy mạnh công tác dạy nghề. Việc phát triển du lịch cần xác định làng nghề, nghề truyền thống địa phương là tài nguyên quan trọng trong định hướng triển khai hoạt động tham quan. Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, thiết kế mặt hàng quà lưu niệm mang dấu ấn địa phương, thuận tiện để du khách khi mua làm quà tặng người thân, bạn bè. Đồng thời, những đơn vị lữ hành cần liên kết phát triển du lịch, kết nối tour đến điểm sản xuất, làng nghề nghề truyền thống chưa hoặc còn ít khách tham quan. 

Nguyễn Kha

Theo langngheviet.com.vn

https://langngheviet.com.vn/du-lich-lang-nghe/kien-giang-hoat-dong-du-lich-trai-nghiem-lang-nghe.html33632

 

 

Bình luận