Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo duy trì độ che phủ rừng ở mức trên 40% là những mục tiêu quan trọng trong các hoạt động của ngành nông, lâm nghiệp trong năm 2024.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành năm 2023; quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và của Bộ năm 2024, trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu như: Triển khai quyết liệt, hiệu quả kịch bản tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024; Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản.
Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đề xuất các giải pháp tổng thểt phòng chống sụt lún, sạt, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có để làm giàu rừng, duy trì độ che phủ rừng 42,02%; Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Tiếp tục tổ chức đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn.
(Ảnh minh họa)
Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng).
Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.
Trước đó, phát biểu trong Hội nghị tổng kết năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành để tìm hiểu, nắm bắt, mở rộng thị trường để sản xuất cái gì nhu cầu thị trường nhập khẩu cần để tổ chức sản xuất trong nước, tiến tới gia tăng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trên 4%; tập trung gỡ thẻ vàng của EC trong quý II năm 2024, ngăn chặn các tàu cá nước ngoài vi phạm; tăng cường công tác trồng, nâng cao chất lượng rừng, phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương ven biển tập trung hoàn thiện thể chế và quy hoạch để phát huy tối đa lợi thế khác biệt; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số…/.
Theo nguồn LÝ LAN/Thiennhienmoitruong.vn
Link nguồn: https://thiennhienmoitruong.vn/lam-nghiep-duy-tri-do-che-phu-rung-khoang-tren-40.html
Bình luận