Xã Long Cang nổi tiếng là vùng đất của nghề dệt chiếu ở huyện Cần Ðước, tỉnh Long An. Trải qua bao thăng trầm, nhiều người dân Long Cang vẫn gắn bó với nghề của cha ông truyền lại. Thế nhưng, hiện nay, nghề truyền thống này đang dần mai một.
Người dân thường tận dụng khoảng sân trước nhà để phơi chiếu cho ráo trước khi giao cho khách hàng
Không một ai biết chính xác nghề làm chiếu lác ở Long Cang khởi nguồn từ lúc nào. Ngay cả những người cao niên ở vùng quê này cũng chỉ biết rằng khi họ lớn lên, cả làng làm nghề dệt chiếu, thế hệ này truyền sang thế hệ khác và lưu giữ đến nay.
Tổ trưởng nghề chiếu xã Long Cang - Phạm Thị Thanh Phượng kể, gia đình bà có truyền thống làm chiếu rất nhiều đời. “Tôi cũng không biết nơi đây làm chiếu từ khi nào bởi từ nhỏ, tôi đã thấy ông bà dệt chiếu, đến cha mẹ, tôi và các con cũng dệt chiếu” - bà Phượng nói.
Theo bà Phượng, so với trước đây, số hộ dân theo nghề dệt chiếu Long Cang chỉ còn lại khoảng 100 hộ (bằng 1/3 so với 10 năm trước). Nhiều người cao tuổi vẫn yêu nghề, sống với nghề mặc dù dệt chiếu mang lại thu nhập thấp so với mặt bằng chung hiện nay.
Xóm Ðình, ấp 1, xã Long Cang là nơi còn nhiều hộ gắn bó với nghề dệt chiếu. Chạy dọc theo con đường bê tông dẫn vào xóm, không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm chiếu vừa dệt xong được người dân trải ra phơi ở hai bên đường. Mùi lác phảng phất trong không gian khá yên ắng, bởi xóm làng giờ đây chỉ còn người già và trẻ nhỏ, hầu hết người trong độ tuổi lao động đều đã đi làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Đâu đó, thoáng chốc lại vang lên tiếng khung dệt chiếu.
Chúng tôi dừng xe trước nhà bà Phạm Thị Ngọc (SN 1952), khi bà đang miệt mài dệt chiếu. Vừa trò chuyện với chúng tôi, tay bà vẫn nhịp nhàng điều khiển khung dệt: “Nghề dệt chiếu ở Long Cang có từ xa xưa, người đi trước dạy người đi sau mà tồn tại tới bây giờ. Cả cuộc đời tôi chỉ gắn bó với nghề dệt chiếu. Ngày trước, tôi dệt nhiều loại chiếu, từ chiếu trơn đến chiếu hoa nhưng hiện nay chỉ còn dệt chiếu trơn, do người dân rất ít dùng chiếu hoa”.
Những người dệt chiếu thủ công chủ yếu sử dụng sức lao động và sự khéo léo như bà Ngọc dù có thâm niên hàng chục năm trong nghề nhưng do tuổi cao, sức yếu nên một ngày, bà chỉ dệt được 6 đôi chiếu, bán 35.000 đồng/đôi. Trừ chi phí nguyên, vật liệu, bà có lợi nhuận từ 90.000-100.000 đồng/ngày.
Người dệt chiếu thủ công ở xã Long Cang hiện nay chủ yếu là người lớn tuổi
Cũng như bà Ngọc, bà Huỳnh Thị Hương (ấp 1, xã Long Cang) cũng là một trong những người dệt chiếu lâu đời tại xã Long Cang. Bà Hương bộc bạch: “Ngày nay, phần lớn người trẻ đều chọn làm công nhân nên số người giữ nghề dệt chiếu mỗi năm lại ít dần. Hầu hết những người lớn tuổi, gắn bó với khung dệt mấy chục năm nay như tôi mới không nỡ bỏ nghề. Với lại công việc này cũng khá phù hợp với những người lớn tuổi vì chủ động được thời gian, có thể vừa làm, vừa giữ cháu hay làm việc nhà”.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Cang, huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh cho biết: Do được quy hoạch phát triển công nghiệp nên diện tích đất trồng lác để dệt chiếu của xã giảm rất nhiều, người làm nghề truyền thống nay cũng ít đi. Để bảo tồn nghề dệt chiếu, địa phương rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại,… Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm chiếu Long Cang và tăng thu nhập cho người dệt chiếu.
Đối với người dân xã Long Cang, dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn mang một giá trị tinh thần và là trách nhiệm gìn giữ giá trị truyền thống quê hương.
Theo nguồn Minh Tuệ/Langngheviet.com.vn
Link nguồn: https://langngheviet.com.vn/long-an-gin-giu-nghe-det-chieu-long-cang-29476.html
Bình luận