Tranh kiếng nghĩa là vẽ trên tấm kính thành bức tranh với đủ màu sắc, thể loại như núi non, rồng phụng hoặc cảnh làng quê, tranh thờ tổ tiên, đức Phật... đem treo trang trọng trong nhà. Thuở ấy, chợ Bà Vệ nằm trên cù lao Ông Chưởng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh nhà nhà làm, mua bán tranh kiếng. Dọc theo các ấp Long Thuận, Long Tân của xã Long Điền B lúc nào cũng tất bật bóng thợ tách, thợ sơn tranh. Dưới con kinh, ghe xuồng nổ máy tành tạch chờ lấy tranh đi phân phối ở các vùng nông thôn khắp nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (trên 60 tuổi) có hơn 46 năm làm tranh kiếng cho biết, bà là thế hệ thứ 3 của làng nghề truyền thống này. Bà kể, làm tranh thịnh hành nhất là sau năm 1980. Lúc đó, ngày thường đã nhộn nhịp nhưng cận Tết thì tưng bừng vì nhà nào cũng cần treo tranh ảnh trang hoàng nhà cửa đón Tết cầu mong may mắn.
Nghệ nhân vẽ tranh kiếng
Còn ông Nguyễn Thanh Hòa, sống bằng nghề tranh kiếng hơn 30 năm, cho biết vào thời hoàng kim, thợ thầy sống no ấm với nghề. Nhà này thấy nhà kia khấm khá nên nhảy vào mở tiệm bán tranh, vì thế có cả trăm hộ làm tranh, mỗi tiệm tranh tùy theo quy mô có từ 5 - 10 thợ. Bà Nguyệt thì tự hào nghề làm tranh kiếng đòi hỏi thợ tách (là thợ chính) tay nghề phải khéo và trí tưởng tượng phong phú mới cho ra nhiều dòng tranh đặc sắc cũng như đáp ứng được yêu cầu của khách. Bà nói, thợ tách như bà được trả công cao, bởi vẽ tranh kiếng phải từ phía sau mặt kính nên chi tiết nào vẽ sau phải vẽ trước. Vẽ xong, thợ lật tấm kính lại và các hình vẽ thành mặt chính của tranh. Còn thợ sơn công việc đơn giản hơn, chỉ ngồi tô vẽ các hình ảnh đã được vẽ lên tranh.
Nghề làm tranh kiếng xuất hiện ở huyện cù lao Chợ Mới cách đây trên dưới 100 năm. Ông Huỳnh Minh Quang (Chủ cơ sở tranh kiếng Giáo Quang, xã Long Giang) cho biết, sản phẩm tranh kiếng rất phong phú và đa dạng với nhiều thể loại, mặt hàng này có thời gian rất hút hàng, tranh làm ra không đủ bán. Tranh kiếng được tiêu thụ khắp các tỉnh từ Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Mỹ Tho đến Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Phú Yên… “Thường thì 1 bộ tranh kiếng có 4 khung: 1 khung hoành phi, 1 khung lớn ở giữa, 2 khung liễn đối ở 2 bên. Phần lớn tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo điển tích như “Phật Thích Ca Mâu Ni”, “truyện Tấm Cám”, “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Nhị thập tứ hiếu”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Lưu Bình - Dương Lễ”…, ông Quang chia sẻ.
Khi đời sống người dân nâng cao, thị trường ngày càng có nhiều loại tranh đáp ứng tiêu chí rẻ và đẹp, nên sức tiêu thụ tranh kiếng giảm mạnh, nghề làm tranh kiếng cũng “chững” lại, nhưng các hộ còn “bám trụ” vẫn có thể “sống được” với nghề này. Trên địa bàn huyện Chợ Mới có khoảng 7 hộ sản xuất tranh kiếng, tập trung ở các xã: Long Giang, Long Điền B, Long Kiến. Các cơ sở này tồn tại và phát triển nhờ lượng khách hàng ổn định và có phần nhộn nhịp trở lại trong thời gian gần đây với những sản phẩm mới, hình ảnh phong phú, đa dạng, hoa văn hiện đại.
Về nội dung, tranh kiếng được chia thành 2 loại: Tranh thờ và tranh phong cảnh. Đối với tranh thờ, sản phẩm chủ yếu là các tranh chữ Nho có chú thích chữ quốc ngữ, như “Cửu Thiên huyền nữ”, “Cửu huyền thất tổ”, “Phước - Lộc - Thọ”. Thể loại tranh trang trí khá phong phú, không duy trì những khuôn mẫu truyền thống, bổ sung thêm tranh vẽ về phong cảnh đất nước, các danh lam thắng cảnh ở An Giang, tranh bộ chữ “Phước - Lộc - Thọ” theo phong cách mới.
Về hình thức, tranh kiếng được chia thành 2 loại: Tranh kéo lụa và tranh vẽ tay. Tranh sử dụng phương pháp kéo lụa được sản xuất đại trà, số lượng làm ra nhiều nên giá thành tương đối rẻ. Đối với phương pháp vẽ tay, nội dung thường do khách đặt nên kì công tỉ mỉ nên giá thành cao hơn. “Hiện nay, cơ sở phát triển thêm dòng tranh kiếng cẩn ốc xà cừ. Loại tranh này đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, khéo tay nên giá khá cao so với các sản phẩm cùng loại, nhưng khách hàng rất ưa chuộng” - ông Hòa thông tin.
Theo ông Hòa, thời điểm tranh kiếng đắt hàng nhất là vào dịp Tết, vì thời gian này là lúc người dân sửa soạn nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới - nên thay đổi tranh mới. Bây giờ, đời sống người dân được cải thiện nên tranh kiếng có thể bán quanh năm. Đặc biệt, khách hàng có thể sử dụng tranh cũ để đổi lấy tranh mới, rất tiện dụng. Mỗi loại tranh kiếng có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng, đặc biệt các loại tranh kiếng cẩn xà cừ có giá đến 1 triệu đồng. Không những lưu giữ những giá trị truyền thống, nghề làm tranh kiếng của người dân huyện Chợ Mới góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập ổn định trên 3 triệu đồng/người/tháng
Theo Ngaymoionline.com.vn
Bình luận