Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu
  • Home/
  • Văn hóa /
  • Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu
Văn hóa

Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu

Bánh trung thu là một loại bánh vô cùng quen thuộc gắn liền với dịp lễ Tết Trung thu, ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc, những ước nguyện tốt đẹp mà mọi người trao gửi cho nhau.

Có rất nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh nguồn gốc của bánh trung thu. Theo sử sách Trung Quốc, bánh trung thu ra đời trong cuộc khởi nghĩa nông dân ở cuối thời nhà Nguyên. Tại thời điểm đó, Lưu Bá Ôn và Chu Nguyên Chương khởi xướng khởi nghĩa nông dân để thoát khỏi ách thống trị của chính quyền đương thời. Trong quá trình chiến đấu, nhằm đảm bảo độ tuyệt mật, người dân Trung Quốc lúc bấy giờ sáng tạo ra những chiếc bánh có hình tròn nhét mật thư vào nhân bánh để truyền tin. Mật thư ấy ước định rằng vào đêm trăng sáng nhất của tháng tám âm lịch, mọi người sẽ cùng nhau khởi nghĩa giành tự do.

Sau khi giành thắng lợi, nhân dân Trung Hoa vẫn nhớ đến những chiếc bánh nướng truyền tin đồng trong kháng chiến. Vì thế, vào dịp Trung thu hàng năm (ngày trăng sáng nhất tháng tám âm lịch), người dân chuẩn bị những chiếc bánh nướng ấy, cùng nhau thưởng thức như một cách kỷ niệm cuộc khởi nghĩa.

 Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu

Bánh trung thu nướng

Ngoài ra, một sự tích khác kể rằng vào thời cổ đại, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước bình yên, các hoàng đế Trung Quốc có nghi lễ cúng mặt Trăng vào ngày rằm tháng tám. Dịp này, mọi người làm ra chiếc bánh mô phỏng theo hình dáng tròn trịa của mặt Trăng gọi là “Nguyệt bính” (bánh Trăng) để cúng và thưởng thức. Lâu dần, nghi lễ ăn “Nguyệt bính” ngắm Trăng vào đêm rằm tháng tám âm lịch trở thành tập tục lưu truyền đến ngày nay.

Có hai loại bánh trung thu chính là bánh nướng và bánh dẻo với đa dạng các loại nhân. Chẳng hạn như đậu xanh, khoai môn, hạt sen, sữa dừa hoặc thập cẩm gồm mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, trứng muối…Bánh trung thu nướng có vỏ ngoài làm từ bột mì, nước đường, khi nướng lên sẽ chuyển sang màu vàng nâu óng và hương thơm nhẹ. Còn bánh trung thu dẻo sẽ làm từ bột nếp nấu chín, nước đường và nước hoa bưởi.

Khi du nhập vào Việt Nam, bánh trung thu được đón nhận, biến tấu với các hình dáng khác nhau dựa trên phong tục tập quán đặc trưng. Theo quan niệm của người Việt, ngày rằm tháng tám âm lịch là thời điểm mở tiệc ăn mừng, tạ ơn trời đất cho một mùa vụ bội thu, cũng như để các thành viên trong gia đình sum vầy, đoàn viên. Chính vì vậy, người Việt làm ra bánh trung thu với hai hình dáng vuông và tròn.

 Nguồn gốc và ý nghĩa của bánh trung thu

Bánh trung thu dẻo

Phổ biến nhất là bánh trung thu tròn, gợi liên tưởng đến hình ảnh vầng trăng tròn, biểu trưng cuộc sống viên mãn, đủ đầy, sung túc. Ngoài ra, hình dáng tròn trịa của chiếc bánh còn mang ý nghĩa sâu xa về sự luân hồi, tuần hoàn của thời gian. Hình tròn không có điểm đầu và điểm cuối giống như cuộc sống sẽ luôn luôn tiếp diễn.

Trong khi đó, bánh trung thu hình vuông mang ý nghĩa xuất phát từ quan niệm truyền thống người Á Đông. Hình dáng vuông vắn đại diện cho mặt đất, thể hiện sự vững chắc và ổn định trong các mối quan hệ, đặc biệt là tình cảm gia đình. Khi kết hợp cùng bánh trung thu tròn tạo nên sự hài hòa giữa trời và đất, giữa âm và dương.

Vì vậy, trong nhiều mâm cỗ trung thu, người Việt thường bày trí cả hai loại bánh nhằm cầu mong cuộc sống vững chắc và trọn vẹn. Từ những ý nghĩa đặc biệt ấy, bánh trung thu trở thành món quà chứa đầy tình cảm để mỗi người trao tặng người thân yêu vào các dịp đặc biệt. Hình thành nét văn hóa tốt đẹp không thể hòa lẫn của người dân Việt Nam.

Quoc Trung

 

Bình luận