
Bốn nghị định, bốn cách phạt khác nhau Chính phủ đang có đến bốn nghị định cùng ban hành vào năm 2013 để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm với bốn cách phạt nhẹ, nặng khác nhau tùy thuộc đối tượng bị xúc phạm. - Xúc phạm người bình thường: Nghị định 167 (do Bộ Công an đệ trình để áp dụng trong lĩnh vực an ninh trật tự…), đối tượng được điều chỉnh là mọi cá nhân. Theo điểm a khoản 1 Điều 5 nghị định này, người có cử chỉ, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trong vụ người phụ nữ bị sàm sỡ, công an huyện đã căn cứ vào điều khoản này để cho ra mức phạt trung bình 200.000 đồng. - Xúc phạm thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục, người học: Nghị định 138 (do Bộ GD&ĐT đệ trình để thực hiện trong lĩnh vực giáo dục), đối tượng riêng được bảo vệ là thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục, người học. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng (với tổ chức là vậy, còn nếu cá nhân vi phạm thì áp dụng 1/2). Mức phạt tiền này cũng áp dụng cho trường hợp xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh, sinh viên. - Xúc phạm nhà báo: Nghị định 159 (do Bộ TT&TT đệ trình để áp dụng trong hoạt động báo chí…), đối tượng riêng được bảo vệ là nhà báo mà việc xúc phạm nhắm đến mục đích cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Theo đó, cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo đang hoạt động nghề nghiệp có thể bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. - Xúc phạm trên mạng: Nghị định 174 (cũng do Bộ TT&TT đệ trình để áp dụng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…) có quy định riêng để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội. Cụ thể, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (cá nhân là 1/2). Như vậy, có ba bộ Công an, GD&ĐT, TT&TT đã trình cho Chính phủ tuần tự ban hành nhiều nghị định khác nhau để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm áp dụng cho nhiều đối tượng, nghề nghiệp khác nhau, trong đó nếu xúc phạm người bình thường thì bị phạt thấp nhất. THU TÂM Nhiều nhầm lẫn về trách nhiệm pháp lý của thầy, cô giáo Góp ý cho dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có người cho rằng không nên dùng tiền để điều chỉnh quan hệ thầy trò; thầy cô phạm lỗi với người học thì chỉ nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành… Xem ra nhiều người đã có sự nhầm lẫn về trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) với chủ thể vi phạm pháp luật. Trong đó bên vi phạm pháp luật phải gánh chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế nhà nước được pháp luật quy định. Nói dễ hiểu hơn, do thầy trò cũng là công dân nên quan hệ giữa hai bên ngoài việc được điều chỉnh bằng đạo lý theo truyền thống lâu nay thì còn phải được điều chỉnh bằng pháp lý hễ có hành vi được xác định là vi phạm pháp luật. Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tùy tính chất, mức độ vi phạm mà các bên phải chịu các loại trách nhiệm pháp lý phù hợp. Nếu chưa đến mức vi phạm pháp luật hành chính thì các bên có thể chỉ bị xử lý theo quy chế của ngành. Nếu đến mức vi phạm pháp luật hành chính thì các bên có thể bị Nhà nước áp dụng trách nhiệm hành chính. Hiện tại các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Nghị định 138/2013 để thu tiền phạt vào ngân sách nhà nước như những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính khác. Trường hợp đến mức vi phạm pháp luật hình sự thì các bên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo các quy định của BLHS. Ngoài ra, nếu thầy cô vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động… thì có thể bị nhà trường áp dụng trách nhiệm kỷ luật theo pháp luật về viên chức. Như vậy, mỗi loại trách nhiệm pháp lý có những quy định khác nhau về nội dung, chủ thể áp dụng (là Nhà nước hay hiệu trưởng), hình thức xử lý (phạt tiền, phạt tù, khiển trách, cảnh cáo…) và không có sự chồng chéo nhau như lo ngại không đúng của nhiều người. NGUYÊN THY |
Theo Plo.vn
https://plo.vn/nhan-pham-nguoi-gia-300-000-nguoi-gia-20-trieu-post500736.html
Bình luận