Ninh Bình: Duy trì nghề làm bánh có tuổi đời hơn 100 năm
  • Home/
  • Tin tức/
  • Ninh Bình: Duy trì nghề làm bánh có tuổi đời hơn 100 năm
Tin tức

Ninh Bình: Duy trì nghề làm bánh có tuổi đời hơn 100 năm

Nhắc tới xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), nhiều người nghĩ ngay tới làng nghề ẩm thực truyền thống hơn 100 năm tuổi với nhiều loại bánh thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của vùng quê này như bánh mật, bánh nếp, bánh đa…

Hơn 40 năm nay, đều đặn từ 6 giờ sáng, ông Dương Văn Thạch (63 tuổi, xóm Tây Phú, xã Khánh Thiện) bắt đầu ngày mới bằng việc ngâm gạo nếp, ngâm đỗ, rửa lá - những công đoạn làm ra món bánh mật, bánh nếp, bánh rán truyền thống của gia đình.
 

Ninh Bình: Duy trì nghề làm bánh có tuổi đời hơn 100 năm
Bánh mật, bánh nếp là đặc sản nổi tiếng của xã Khánh Thiện.

Ông Thạch là thế hệ thứ hai tiếp nối nghề làm bánh. "Ngày xưa cuộc sống còn khó khăn, thấy nhiều người trong xã làm bún, bánh, mẹ tôi cũng học theo rồi truyền nghề cho tôi. Nghề làm bánh cứ thế theo gia đình tới tận bây giờ, cũng gần 100 năm rồi", ông kể.

Từng nguyên liệu làm bánh được vợ chồng ông lựa chọn tỉ mỉ. Trong đó, gạo nếp quyết định tới 80% độ ngon của bánh, loại nếp có màu trắng đục, hạt đều, căng bóng là ưu tiên số 1. Ông thường thử vài hạt để chọn gạo có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới. Tương tự, đỗ làm bánh cũng cần chọn loại mới thu hoạch, ruột vàng, bở, bùi, hạt tròn và mẩy.

Sau khi đã ngâm đủ thời gian cần thiết, ông cho gạo vào máy xay nhuyễn, trong lúc ấy, vợ ông - bà Phạm Thị Mạnh, 63 tuổi sẽ hấp đỗ. Đỗ chín, bà trộn đều cùng hành phi, dừa nạo.

Các nguyên liệu hoàn tất sẽ tới công đoạn gói bánh - công đoạn tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự khéo léo của người làm bánh. Thoa đều lớp dầu ăn mỏng lên tay, bà Mạnh lấy một phần bột cán dẹp, cho nhân đậu xanh, hành phi và dừa nạo vào giữa. Từng viên bánh tròn trắng đều tăm tắp xếp sẵn ra mâm chờ gói.

Tay nhanh thoăn thoắt, bà lấy 2 tấm lá dong xếp chồng lên nhau, bên trong là lớp lá chuối khô rồi đặt bánh nhân đậu vào giữa, cuộn lại và cố định bằng một sợi dây. Tất cả công đoạn chỉ kéo dài chưa đầy 30 giây. "40 năm kinh nghiệm rồi phải khác chứ", bà Mạnh cười xòa khi được cảm thán về tốc độ gói bánh "chóng mặt".

 Ninh Bình: Duy trì nghề làm bánh có tuổi đời hơn 100 năm

Bà Thạch chỉ mất khoảng 30 giây để gói xong một chiếc bánh.

 
Mỗi ngày, gia đình ông Thạch, bà Mạnh gói khoảng 400 bánh, chủ yếu là bánh nếp, bánh mật, bánh rán và một số loại khác theo đơn đặt hàng. Về cơ bản, các loại trên có nguyên liệu giống nhau, riêng bánh mật, bột sẽ trộn cùng đường vàng để ra màu nâu cánh gián đặc trưng.

Bánh được hấp trên bếp củi trong 2 tiếng. 40 năm làm nghề, ngoại trừ việc đổi từ xay tay sang xay điện, ông bà vẫn giữ nguyên các bước làm bánh truyền thống. Các loại bánh không chứa chất bảo quản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mùi bánh chín thơm phức, lan khắp căn bếp nhỏ, bà Mạnh nhanh tay vớt ra rổ. Chỉ còn bước cuối cùng là làm nguội, định hình khuôn bánh cho vuông vức và cố định bằng 2 lớp dây là hoàn thành. 

Những chiếc bánh sau đó được bán tại chợ Xanh, các xã lân cận như Khánh Tiên, Khánh Hội, thị trấn Yên Ninh, Khánh Mậu,… cũng như nhiều nơi khác trong và ngoài tỉnh. 

Vị dẻo thơm của gạo nếp kết hợp cùng vị bùi bùi, ngọt thanh của đậu xanh, vị béo của hành phi, dừa nạo, tất cả hòa quyện làm nên món bánh dân dã, đặc trưng chỉ riêng Khánh Thiện mới có. 

"Nghề làm bánh không quá vất vả nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo. Gắn bó với nghề 40 năm nay, chúng tôi tự hào vì có thể duy trì và làm giàu từ nghề truyền thống của địa phương, các loại bánh được khách hàng ưa chuộng và vinh dự có mặt trong nhiều hội chợ địa phương và tỉnh", ông Thạch cho hay.

Công việc bận rộn quanh năm nhưng tất bật nhất là dịp rằm và cuối năm. Khi ấy, vợ chồng ông bà làm không ngơi tay từ sáng sớm tới tận khuya, bếp củi nhỏ lúc nào cũng sáng lửa, mẻ bánh mật, bánh nếp ra tới đâu là hết tới đấy.

Năm nay 63 tuổi, họ chỉ có điều trăn trở là không đủ sức khỏe và con cái không còn ai theo nghề. Vậy nên ông thoải mái chia sẻ "bí quyết", kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu học hỏi.

Với người dân Khánh Thiện và các xã xung quanh, bánh mật, bánh nếp, bánh rán,… là món ăn sáng không thể thiếu, vừa nhanh gọn vừa chắc bụng, giá cả lại phù hợp. 

"Có nhiều lựa chọn cho bữa sáng nhưng gia đình tôi thường ưu tiên các loại bánh bởi thơm ngon, dễ ăn lại no lâu. Các con tôi ở Hà Nội lần nào về quê cũng dặn mẹ đi chợ mua bánh để ăn sáng và mang ra làm quà", bà Phạm Thị Lan (63 tuổi, xóm 1, Khánh Thiện) chia sẻ.

Thức quà quê giản dị nhưng chứa đựng cả bầu trời tuổi thơ của bao thế hệ, nhất là những người con xa quê. Hương vị đặc trưng của món bánh truyền thống khiến họ vương vấn, đi đâu cũng chẳng tìm được loại bánh như vậy. 

Hai mươi năm xa quê, lần nào về nhà, ông Phạm Văn Lăng (45 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh) cũng dành thời gian ra chợ, thưởng thức các món bánh truyền thống và không quên mua về làm quà. 

"Cũng bôn ba từ Bắc vào Nam, ăn nhiều đặc sản rồi nhưng không nơi nào có thể tìm thấy hương vị bánh rán, bánh mật, bánh nếp như ở Khánh Thiện quê tôi. Thi thoảng nhớ quá, lại nhờ người nhà gửi vào những món quà quê".

Ngoài vợ chồng ông Thạch, bà Mạnh, xã Khánh Thiện hiện còn khoảng 4 gia đình vẫn làm bánh. Hầu hết họ đều là đời thứ hai, tiếp nối nghề truyền thống do cha ông để lại. 

Bài, ảnh: Hồng Minh

Theo langngheviet.com.vn

https://langngheviet.com.vn/lang-nghe-nghe-nhan/ninh-binh-duy-tri-nghe-lam-banh-co-tuoi-doi-hon-100-nam.html34462

 

 

Bình luận